Phật chỉ tâm lần thứ năm.

Một phần của tài liệu Dai Cuong Kinh Lang Nghiem - HT Thien Hoa Giang (Trang 36 - 37)

Phật dạy rằng :

-Này A Nan, nay ông thử xem trước mắt, tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng, nào là sông núi, đất nước , v . v . Ông nên lựa riêng ra cái nào thuộc về cảnh vật, còn cái nào là tâm ông.

Này A Nan, cùng tột tầm mắt thấy của ông, ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chớ không phải ông. Xem rộng ra, núi, sông, cây cối, cỏ hoa, người thú, cho đến gió bụi, chim chóc cũng đều là vật chớ không phải ông. A Nan, tất cả các cảnh vật, mặc dầu có cao thấp, xa gần, ngàn sai muôn khác, xong cũng đều là “vật bị thấy” của ông cả. Các vật loại tuy có sai khác, mà cái “thấy” của ông không khác. Thế thì cái “thấy này chính là “tâm” của ông chớ không phải vật.

Chú Giải.

Đoạn này Phật chỉ tâm rất rõ ràng.

IX.Phật chỉ thêm “cái thấy” là tâm chứ không phải vật.

Nếu cái “thấy” này là vật, thì ông cũng có thể thấy được cái “thấy” (năng thấy) của tôi. Nếu ông cùng tôi đồng thấy một vật, (bị thấy) mà ông cho là

thấy được “cái thấy” của tôi thời khi tôi không thấy, sao ông chẳng thấy được cái “không thấy” của tôi ? (vì cái thấy không phải vật nên chẳng thấy được nó).

Nếu ông nói : thấy được cái “không thấy” của tôi, thì ông thấy cái gì đó, chứ quyết định không phải là thấy cái “không thấy” (tâm) của tôi. Nếu ông không thấy được cái “không thấy” của tôi, thì quyết định nó là “tâm” , đương nhiên không phải vật rồi.

Lại nữa, nếu cái thấy là vật, thì khi ông thấy nó, nó cũng phải thấy được ông. Như vậy, thời tâm, vật lộn lạo; và trong thế gian này, không thể phân biệt được loài hữu tình (tâm), và loài vô tình (vật).

Chú Giải.

Đại ý đoạn này Phật nói “vật” thì bị thấy còn “tâm” thì không bị thấy. Bởi cái thấy là “tâm”, nên không thể thấy được nó.

Này A Nan, khi ông thấy các cảnh vật, cái “thấy” của ông khắp giáp tất cả, cái thấy đó không phải của ta và của người khác, thì quyết định của ông chứ ai.

Rất rõ ràng như thế, tại sao ông còn nghi “chân tâm” của ông ?

Cái “chân tâm’ của ông như vậy, sao ông không tự chân lấy, lại đi cầu ta chỉ “chân tâm” cho nữa ?

Chú Giải.

Đoạn này, Phật chỉ tâm rõ ràng hơn hết.

Một phần của tài liệu Dai Cuong Kinh Lang Nghiem - HT Thien Hoa Giang (Trang 36 - 37)