-Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chân tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại : Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh sáng suốt, nên mới được như vậy.
Chú Giải.
Vì Phật đã ngộ chân tâm thanh tịnh, nên mới được tự tại vô ngại, không còn bị các vật lớn, nhỏ, nhiều, ít v . v . làm chướng ngại.
Trái lại, chúng sanh vì mê chân tâm, hiệp theo vọng trần nên thấy có các vật lớn, nhỏ, rộng, hẹp chướng ngại.
Bởi tâm có chướng ngại (vọng phân biệt) nên thấy ngoài trần cảnh có chướng ngại. Nếu trong tâm hết chướng ngại (không vọng) thì không còn thấy có một vật gì làm chướng ngại cả.
BÀI THỨ CHÍN
I. Phật dạy : chân tâm phi tất cả tướng.
Phật dạy :
-Chân tâm này phi tâm (thức) phi đất, nước, gió, lửa, và phi hư không. (Đoạn này nói : chân tâm phi ngũ uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm; còn đất, nước, gió, lửa thuộc về sắc).
Nó phi nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; phi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; phi nhãn thức giới cho đến phi ý thức giới. (Đoạn này nói : chân tâm phi lục nhập, thập nhị xứ và thập bát giới. Nói ấm, giới, nhập tức là nói phi cảnh giới lục phàm).
Chân tâm phi minh vô minh và minh vô minh tận, cho đến phi lão tử và phi lão tử tận.
(Đoạn này nói : phi 12 nhân duyên, cả lưu chuyển và hoàn diệt, cảnh giới của Duyên giác).
Phi khổ, tập, diệt, đạo; phi trí và phi đắc. (Đây là phi Tứ đế, cảnh giới của Thanh Văn).
Phi bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ. (Đây là nói phi lục độ, cảnh giới của Bồ tát.)
Cho đến phi Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, . . . (mười hiệu) phi Đại Niết Bàn và phi bốn đức của Niết Bàn : thường, lạc, ngã, tịnh. (Đoạn này là nói : phi cảnh giới Phật. Từ Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật gọi là tứ thánh).
Tóm lại, chân tâm phi tất cả các pháp thế gian (6 cõi phàm) và xuất thế gian (4 quả Thánh ) vậy.
Chú Giải.
Đã là chân tâm thì không còn vọng. Vì không còn vọng nên không có đối đãi; ngộ mê, thánh phàm, chúng sanh và Phật, hữu vi hay vô vi v . v . vì nó tuyệt tánh, ly tướng.
II. Phật dạy chân tâm tức tất cả các pháp.
Phật dạy :
-Chân tâm này, cũng tức tất cả pháp, tức là tâm, tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ đế, tức Thập nhị nhân duyên, tức Lục độ, tức là Phật và bốn đức Niết Bàn. Nói chung lại, chân tâm tức là các pháp ở thế gian và xuất thế gian.
Chú Giải.
Tâm đã sanh ra tất cả pháp, thì tâm là tất cả pháp. Cũng như bột đã làm ra các thứ bánh, thì bột đó tức là bánh.