-Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng khởi vọng niệm phân biệt, thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi, thì ba nhân sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Đạt Đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ Đề (sáng suốt). Khi ấy chân tâm của ông thanh tịnh sáng suốt tự hiện bày, khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc, khó khăn tu chứng, hay xin cầu nơi ai cả.
Chú Giải.
Bởi đối cảnh khởi tâm phân biệt, nên sanh ra tham, sân, si. Vì tham, sân, si mới có sát, đạo, dâm . . . Do sát, đạo, dâm nên phải chịu sanh tử luân hồi.
Tỷ dụ như người khi đối với nữ sắc v . v . chỉ thấy qua không khởi vọng niệm phân biệt thì chẳng có hại chi. Đến lúc khởi tâm phân biệt đây là xấu, thì tâm ghét giận nổi lên. Còn phân biệt kia là đẹp, thì tâm tham muốn sanh ra. Tham, sân đã sanh, thì si cũng theo đó mà khởi. Còn khi đối cảnh, mà tâm không khởi phân biệt thời vọng niệm chẳng sanh, vọng niệm không sanh, thì chân tâm tự hiện. Thật là một pháp tu trực chỉ mau thành Phật nhất, mà cũng là khó nhất. Chúng ta suốt đời chỉ tu theo bốn chữ Phật đã dạy “Bất tùy phân biệt” (đối cảnh không khởi phân biệt) cũng chưa chắc đã tu xong.
Tỷ như người ở trong túi áo, có sẵn hột châu như ý, nhưng không hay biết, nên chịu nghèo hèn vất vả phải đi làm thuê mướn ở các phương xa, kiếm ăn qua ngày tháng. Xong hột châu ấy không mất. Đến khi gặp người tri thức (quen) chỉ cho biết : “Anh đã sẵn có hột châu vô giá trong túi áo kia”. Lúc bấy giờ anh muốn gì được nấy, giàu có vô cùng. Chừng ấy anh mới hối ngộ rằng : hột thần châu này chính mình sẵn có, không phải do nơi người mà được.
Chú Giải.
Lời tỷ dụ này rất hay. Phật chỉ rõ chúng sanh đều sẵn có Phật tánh (chân tâm). Nhưng vì không ngộ được, nên phải nhiều kiếp làm chúng sanh khổ sở, mà Phật tánh thì vẫn không mất. Đến khi ngộ được chân tâm, chứng thành Phật quả, phước trí đầy đủ rồi, mới biết rằng : chân tâm này chính mình sẵn có, không phải do nơi người mà được.