Phật kêu ngài Văn Thù và đại chúng dạy rằng: -Mười phương các đức Phật và các vị đại Bồ tát an trụ trong chân tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần, thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là “chân tâm”. Đã là chân tâm, thì đâu còn có “phải” hay “không phải” nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là “thật” Văn Thù hay “không thật” Văn Thù được không ?
Văn Thù thưa :
-Bạch Thế Tôn ! Chính như thế đó. Con là Văn Thù rồi, thì không thể nói “thật Văn Thù” được; vì nếu nói “thật Văn Thù”, thì phải có ông Văn Thù giả (thứ hai). Xong con nay đã là Văn Thù rồi thì không thể nói “thật” hay “không thật” được.
Chú Giải.
Chân tâm không hai, nên không còn thị và phi đối đãi ; không thể nói quấy đã đành, mà nói phải cũng không được nữa. Bởi vì nó ngoài vòng đối đãi, cũng như ông Văn Thù là Văn Thù, không thể nói “thật” hay “không thật” được.
Phật dạy :
-Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy cũng lại như vậy, đều là thể tánh chân tâm, vì vọng động mà có ra : thấy nghe và các cảnh vật. Nó cũng như mặt
trăng thứ hai, đâu có gì mà nói “phải” hay “không phải”. Nghĩa là chỉ có một mặt trăng chánh, (Chân tâm) trong đó không có cái “phải” mặt trăng hay “không phải” mặt trăng.
Nay ông thấy có cái “thấy” và “cảnh vật bị thấy” đó là vọng tưởng ; còn đối với thể tánh chân tâm, thì không còn nói phải hay không phải được. Bởi thế nên chân tâm nó ra ngoài cái phạm vi “chỉ bày” và “không chỉ bày” của ông rồi.
Chú Giải.
Suy nghĩ không tới, nói năng không nhằm. Đại ý đoạn này nói : Chỉ có một chân tâm, không thể nói phải hay không phải, nó vượt ra ngoài sự
đối đãi và nói năng phân biệt.
Vì vọng động mà sanh ra có vật chất (cảnh) và tinh thần (tâm). Cũng như chỉ có một mặt trăng chánh, vì lòa mà thấy in tuồng có mặt trăng thứ hai .