Sử dụng đất phải gắn liền với định hướng phát triển kinh tế xã hội, tập trung chỉ đạo khai thác thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế là quy hoạch các trung tâm kinh tế, xác định các tiềm năng về đất đai, nguồn khoáng sản…tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với phát triển xã hội. Vì vậy, quan điểm khai thác, sử dụng đất nông lâm nghiệp luôn gắn liền với định hướng phát triển kinh tế xã hội nói chung, sản xuất nông lâm nghiệp nói riêng trong từng vùng cụ thể.
Sử dụng đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất, đây là biện pháp quan trọng để thực hiện Luật đất đai và các chính sách quản lý Nhà nước về đất đai nhằm hạn chế tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí đất, quy hoạch sử dụng đất là biện pháp quản lý quan trọng trong việc tổ chức sử dụng đất của từng ngành, từng địa phương.
Sử dụng đất phải đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, sử dụng tối đa diện tích đất đai hiện có, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ, cải tạo đất, tăng tỷ lệ che phủ đất.
Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo hướng tập trung đầu tư thâm canh, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp cho thị trường.
Phương hướng sử dụng đất phải dựa trên cơ sở kinh tế nông hộ và nông trại là con đường cơ bản và lâu dài, nhằm khuyến khích các nông hộ khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động và vốn của chính họ.