Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nôngnghiệp

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HẬU LỘC, TỈNH THANH HÓA (Trang 30 - 33)

Hiệu quả kinh tế là một phạm trù kinh tế phản ánh chất lượng của các hoạt động sản xuất. Mục tiêu của sản xuất là đáp ứng mức sống ngày càng tăng về mặt vật chất và tinh thần của toàn xã hội, trong khi nguồn lực sản xuất xã hội ngày càng trở nên khan hiếm. Việc nâng cao hiệu quả kinh tế là một đòi hỏi khách quan của mọi nền sản xuất xã hội. Xuất phát từ các góc độ nghiên cứu khác nhau đến nay đã có rất nhiều các quan điểm khác nhau về hiệu quả kinh tế sử dụng đất: Theo Mác thì quy luật kinh tế đầu tiên trên cơ sở sản xuất tổng thể là quy luật tiết kiệm thời gian và phân phối có kế hoạch thời gian, lao động theo các ngành sản xuất khác nhau. Theo các nhà khoa học kinh tế Samuel - Nordhuas “Hiệu quả là không lãng phí”. Theo các nhà khoa học Đức (Stienier, Hanau, Rusteruyer, Simmerman) hiệu quả kinh tế là chỉ tiêu so sánh mức độ tiết kiệm chi phí trong một đơn vị kết quả hữu ích và mức tăng kết quả hữu ích của hoạt động sản xuất vật chất trong một thời kỳ, góp phần làm tăng thêm lợi ích cho xã hội (Đỗ Thị Tám, 2001).

Theo các nhà khoa học kinh tế Samuelson - Nordhuas cho rằng: “Hiệu quả có nghĩa là không lãng phí”. Nghiên cứu hiệu quả phải xét đến chi phí cơ hội, “hiệu quả sản xuất phải diễn ra khi xã hội không thể tăng sản lượng một loại hàng hoá này mà không cắt giảm sản lượng một loại hàng hoá khác”.

Hiệu quả trên quan điểm kinh tế thị trường: Xã hội chịu sự chi phối bởi quy luật khan hiếm nguồn lực, thực tế các nguồn lực như đất đai, lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên...khan hiếm. Trong khi đó nhu cầu xã hội tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tiết kiệm nguồn lực, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói chung, trước hết mỗi quá trình sản xuất phải lựa chọn đầu vào tối ưu. Như vậy, trên thực tế có rất nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả kinh tế và hiệu quả kinh tế là phạm trù chung nhất, nó liên quan trực tiếp tới nền sản xuất hàng hoá với tất cả các phạm trù và các quy luật kinh tế khác nhau. Vì thế, hiệu quả kinh tế phải đáp ứng được 3 vấn đề:

Một là mọi hoạt động của con người đều phải quan tâm và tuân theo quy luật “tiết kiệm thời gian”;

Hai là hiệu quả kinh tế phải được xem xét trên quan điểm của lý thuyết hệ thống;

Ba là hiệu quả kinh tế là một phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh tế bằng quá trình tăng cường các nguồn lực sẵn có phục vụ các lợi ích của con người.

Hiệu quả kinh tế được hiểu là mối tương quan so sánh giữa lượng kết quả đạt được và lượng chi phí bỏ ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả đạt được là phần giá trị thu được của sản phẩm đầu ra, lượng chi phí bỏ ra là phần giá trị của nguồn lực đầu vào. Mối tương quan đó cần xem xét cả về phần so sánh tuyệt đối và tương đối cũng như xem xét mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đại lượng đó. Từ những vấn đề trên có thể kết luận rằng: bản chất của phạm trù kinh tế sử dụng đất là “với một diện tích đất đai nhất định sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất nhiều nhất với một lượng chi phí về vật chất và lao động thấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất của xã hội" (Đỗ Thị Tám, 2001).

2.2.3.2. Hiệu quả xã hội

Hiệu quả xã hội là mối tương quan so sánh giữa kết quả xét về mặt xã hội và tổng chi phí bỏ ra. Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng là tiền đề của nhau và là một phạm trù thống nhất. Hiệu quả xã hội phản ánh những khía cạnh và mối quan hệ xã hội giữa con người với con người như vấn đề công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư, công bằng xã hội. Hiệu quả xã hội trong sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu được xác định bằng khả năng tạo việc làm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp (Nguyễn Duy Tính, 1995). Thu hút được nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân. Đảm bảo an toàn lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân. Trong giai đoạn hiện nay, việc đánh giá hiệu quả xã hội của các loại sử dụng đất nông nghiệp đang được nhiều nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Theo Hội Khoa học Đất Việt Nam (2000), hiệu quả xã hội được phân tích bởi các chỉ tiêu sau: Đảm bảo an toàn lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân; Đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của vùng; Thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân; Góp phần định canh, định cư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...; Tăng cường sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là hàng xuất khẩu.

2.2.3.3. Hiệu quả môi trường

Hiệu quả môi trường được thể hiện ở chỗ: loại sử dụng đất phải bảo vệ được độ màu mỡ của đất đai, ngăn chặn được sự thoái hoá đất bảo vệ môi trường sinh thái. Độ che phủ tối thiểu phải đạt ngưỡng an toàn sinh thái (>35%) đa dạng sinh học biểu hiện qua thành phần loài (Bùi Huy Hiền và Nguyễn Văn Bộ, 2001). Hiệu quả môi trường được phân ra theo nguyên nhân gây nên, gồm: hiệu quả hoá học, hiệu quả vật lý và hiệu quả sinh học môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả hoá học môi trường được đánh giá thông qua mức độ sử dụng và tác động của các hóa chất trong nông nghiệp. Đó là việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và không gây ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả sinh học môi trường được thể hiện qua mối tác động qua lại giữa cây trồng với đất, giữa cây trồng trong mối tương tác với các đối tượng sinh học có lợi và có hại khác nhằm đảm bảo tính đa dạng mà vẫn đạt được yêu cầu đặt ra. Hiệu quả vật lý môi trường được thể hiện thông qua việc lợi dụng tốt nhất tài nguyên khí hậu như ánh sáng, nhiệt độ, nước mưa của các kiểu sử dụng đất để đạt được sản lượng cao và tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào (Đỗ Nguyên Hải, 2001).

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HẬU LỘC, TỈNH THANH HÓA (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w