Đánh giá hiệu quả sử dụng đất

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HẬU LỘC, TỈNH THANH HÓA (Trang 29 - 30)

Có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả. Khi nhận thức của con người còn hạn chế, người ta thường quan niệm kết quả chính là hiệu quả. Sau này, khi nhận thức của con người phát triển cao hơn, người ta thấy rõ sự khác nhau giữa hiệu quả và kết quả. Nói một cách chung nhất thì hiệu quả chính là kết quả như yêu cầu của công việc mang lại. Hiệu quả là kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người chờ đợi hướng tới; nó có những nội dung khác nhau. Trong sản xuất, hiệu quả có nghĩa là hiệu suất, là năng suất. Trong kinh doanh, hiệu quả là lãi suất, lợi nhuận. Trong lao động nói chung, hiệu quả lao động là năng suất lao động được đánh giá bằng số lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, hoặc bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian.

Kết quả, mà là kết quả hữu ích là một đại lượng vật chất tạo ra do mục đích của con người, được biểu hiện bằng những chỉ tiêu cụ thể, xác định. Do tính chất mâu thuẫn giữa nguồn tài nguyên hữu hạn với nhu cầu tăng lên của con người mà ta phải xem xét kết quả đó được tạo ra như thế nào? Chi phí bỏ ra bao nhiêu? Có đưa lại kết quả hữu ích hay không? Chính vì vậy khi đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả mà phải đánh giá chất lượng hoạt động tạo ra sản phẩm đó. Đánh giá chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh là nội dung của đánh giá hiệu quả (Đỗ Văn Nhạ và cs, 2016).

Từ những khái niệm chung về hiệu quả, ta xem xét trong lĩnh vực sử dụng đất thì hiệu quả là chỉ tiêu chất lượng đánh giá kết quả sử dụng đất trong hoạt động kinh tế. Thể hiện qua lượng sản phẩm, lượng giá trị thu được bằng tiền, đồng thời về mặt xã hội là thể hiện hiệu quả của lực lượng lao động được sử dụng trong cả quá trình hoạt động kinh tế cũng như hàng năm để khai thác đất. Riêng đối với ngành nông nghiệp, cùng với hiệu quả kinh tế về giá trị và hiệu quả về mặt sử dụng lao động trong nhiều trường hợp phải coi trọng hiệu quả về mặt hiện vật là sản lượng nông sản thu hoạch được, nhất là các loại nông sản cơ

bản có ý nghĩa chiến lược (lương thực, sản phẩm xuất khẩu) để đảm bảo sự ổn định về kinh tế - xã hội đất nước.

Hiện nay, đối với nền kinh tế nông nghiệp của chúng ta còn phổ biến là sản xuất nhỏ, phân tán, mục đích của sản xuất đa số còn mang tính tự cung tự cấp, nên chưa thể áp dụng được cho diện rộng. Mặt khác, nếu chỉ đánh giá về lợi nhuận mà không chú ý đánh giá về hiệu quả môi trường, về hiệu quả xã hội thì không đánh giá được hiệu quả đó sẽ được bền vững hay không? Vì vậy, việc xác định một cách đúng và đầy đủ khái niệm về hiệu quả phải đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và luận điểm của lý thuyết hệ thống. Bản chất của hiệu quả chính là sự biểu hiện của trình độ tiết kiệm thời gian, trình độ sử dụng các nguồn lực, khi đó ta có thể coi hiệu quả được xác định trong mối quan hệ so sánh tối ưu giữa kết quả thu được và lượng chi phí đã bỏ ra trong các điều kiện giới hạn về nguồn lực. Sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả cao thông qua việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Nó không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh doanh nông nghiệp mà còn là mong muốn của cả nhà nông - những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp (Nguyễn Thị Vòng, 2001).

Căn cứ vào nhu cầu thị trường, thực hiện đa dạng hoá cây trồng vật nuôi trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có ưu thế ở từng địa phương, từ đó nghiên cứu áp dụng công nghệ mới nhằm làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh cao là một trong những điều tiên quyết để phát triển nền nông nghiệp hiện nay. Ngày nay, mọi hoạt động sản xuất của con người đều hướng đến mục tiêu là kinh tế. Tuy nhiên, để sản xuất đạt được hiệu quả thì nhất thiết không chỉ đạt mục tiêu về kinh tế mà đồng thời phải tạo ra nhiều kết quả liên quan đến đời sống xã hội và môi trường của con người. Những kết quả đó có thể là: Cải thiện điều kiện sống và làm việc của con người, nâng cao thu nhập; Cải tạo xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; Cải tạo môi trường sinh thái, tạo ra một sự phát triển bền vững trong sử dụng. Hiện nay, các nhà khoa học đều cho rằng: vấn đề đánh giá hiệu quả sử dụng đất không chỉ xem xét đơn thuần ở một mặt hay một khía cạnh nào đó mà phải xem xét trên tổng thể các mặt bao gồm: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HẬU LỘC, TỈNH THANH HÓA (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w