trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị và chứng kiến tận mắt hàng hàng bia mộ, tôi mới chiêm nghiệm được những tầng sâu hơn của cảm xúc, giá trị nhân bản và lẽ sống trên đời. Xin trân trọng được gửi tới độc giả Tạp chí Hỗ trợ phát triển vài dòng cảm xúc tháng 7 - tháng hành động tri ân.
Tăng Bá ĐứC (Hải Dương)
Thật tự hào cho tôi, trong những tháng ngày này được đến thăm một số địa danh lịch sử tại mảnh đất miền Trung ruột thịt, mảnh đất đã chứng kiến và chịu nhiều gian khổ nhất trong cuộc chiến tranh ác liệt, để được nghe và cảm nhận những công lao to lớn của lớp lớp thế hệ ông, cha trong cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc, tưởng nhớ đến những hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã “vì nước quên thân”.
Ngã ba Đồng Lộc
Ngã Ba Ðồng Lộc là điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong cuộc hành trình, một địa danh mà năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Đây là yết hầu của mạch giao thông nối liền “hậu phương lớn miền Bắc” với “tiền tuyến lớn miền Nam”. Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này, chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây (tập trung ở 1km vuông xung quanh Ngã Ba Ðồng Lộc) 4.200 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông ở Ngã Ba Ðồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom TẤN. Bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào
lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP...”
Cái nắng lửa của miền Trung và hơi nóng của phía Tây Trường Sơn mỗi lúc như thiêu đốt tất cả những gì khô cằn trên vùng đất này, nhưng điều đó không ngăn được dòng người đổ về Ngã ba Ðồng Lộc, từng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau dừng lại nơi trước cửa viện Bảo tàng. Trong tất cả những người đến đây, hơn một nửa còn rất trẻ, có lẽ họ cũng như tôi, những đứa con sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn muốn đi tìm, vẫn muốn biết về một thời kỳ oanh liệt mà ông cha đã trải qua.
Trong viện Bảo tàng có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái TNXP ở Ngã ba Ðồng Lộc và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc đôi mắt khép lại Hà mới tròn 17 tuổi. Các cô đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Ngày 23/7/1968 sau vài lần các tốp máy bay lao tới trút bom vào mục tiêu nhỏ xíu phía dưới ngã ba mù mịt vì khói bom, 3 lần tiểu đội các cô bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Nhưng đến lượt bom thứ 15 ấy, lúc công việc đang
dở dang, một quả bom rơi ngay trước cửa hầm của họ. Một phút... rồi năm phút trôi qua, trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi rồi òa lên tiếng khóc nức nở của những người đồng đội. Các cô đã hy sinh!.... Khi nghe kể đến đây, những người có mặt trong viện Bảo tàng đều rưng rưng nước mắt.
...Trời vẫn nắng nóng, ai cũng vã mồ hôi và trong khóe mắt mỗi người như vẫn còn vương đôi giọt lệ. Thắp nén tâm hương lên mộ của mười cô gái, tôi cũng như tất cả mọi người đều mong cho hương hồn các cô được yên nghỉ. Tên tuổi của các cô sẽ mãi mãi sống cùng với non sông đất nước và Ngã ba Đồng Lộc!