mộ tượng phía tây tượng trưng cho một ngọn núi trong đại ngàn của dãy Trường Sơn “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Phần tượng thể hiện hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng chiến thắng sau ngày chiến tranh kết thúc, biểu thị tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Thành cổ Quảng Trị
Sau khi rời nghĩa trang đường 9, tôi có mặt tại di tích thành cổ Quảng Trị nơi chứng kiến 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa năm 72”. Qua lời kể của hướng dẫn viên, hình ảnh Cổ Thành cùng với thị xã Quảng Trị, 41 năm về trước tơi bời dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù hiện ra trong tâm trí tôi. Trong tòa thành chu vi 2000 m, hơn 300.000 tấn bom đã được thả với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hyroshima hồi đệ nhị thế chiến. Người ta đã tính toán rằng mỗi mét vuông cổ thành phải chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. Dưới hỏa lực đó không gì có thể tồn tại được, gang thép cũng phải tan chảy, một gọng cỏ cũng không sống được dù ở dưới hầm sâu. Trong lá thư cuối cùng của một người lính và cũng là duy nhất chúng ta tìm được tại thành cổ, anh đã kể lại thời khắc cuối : bom nổ suốt ngày đêm, chúng con như phát điên, sức ép bom làm máu tràn ra từ tai, mũi, mắt. Máu tràn ra ở cả ba nơi thì chúng con sẽ chết. Đồng đội
xung quanh chết cả rồi, máu cũng tràn ra ở mắt con rồi, mẹ ơi…!
Vậy mà trong suốt 81 ngày đêm liên tục, mỗi ngày một đại đội được tiếp ứng, để rồi hôm sau lác đác chỉ còn lại vài người và một đại đội khác thay thế. Cứ như vậy, mỗi ngày cả trăm con người hòa máu xương mình vào đất cổ thành. 81 ngày đêm là 81 ngày hàng nghìn chiến sỹ là sinh viên - trí thức của đất nước, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi tâm hồn trong như suối nguồn đã bỏ mình mà đắp xây nên tượng đài sừng sững về khát vọng độc lập, về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh quốc gia. Chẳng thế mà, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải thốt lên khi viết về Thành cổ Quảng Trị : “Những người chết đi, không hề muốn được phong anh hùng, hay thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống đã được thiết kế trở lại trên công bằng và nhân phẩm”. Để ngày nay, dưới “cỏ xanh non tơ”, dưới tầng tầng gạch vỡ, vong linh các anh sẽ mãi ngân lên bản hùng ca non sông, cổ vũ cho thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống bảo vệ, dựng xây đất nước…
Cuộc chiến đã qua đi mấy chục năm nhưng nỗi đau thương mất mát vẫn hằn sâu trong lòng của người ở lại.