Trước khi xét đến lịch trình hiện tượng hóa từ hai nguyên lý tối sơ căn bản, chúng ta nên nhớ lại bốn trường hợp của bản tánh (mùla-prakrïti) và biến dị (vikrïti) đã nói trước đây. Nay nhắc lại chúng dưới một lược đồ tổng quát:
1. Chỉ bản tánh: Tự tánh (prakrïti)
2. Chỉ biến dị: 5 đại (bhùta) và 11 căn (indriya)
3. Vừa bản vừa biến: Đại (mahat), ngã mạn (ahamïkàra) và 5 duy (tanmàtra)
4. Phi bản biến: Thần ngã (purusïa).
Ý nghĩa của tự tánh và biến dị (vikrïti) được giải thích như sau, theo Kàrikà 10: “Biến dị là những gì hữu nhân (hetumat), vô thường (anitya), không phổ biến (avyàpin), hữu sự (sakrïya), nhiều (aneka), y (àsùrita), một (linïga), hữu phần (sàvayava), thuộc tha (paratantra). Phi biến dị thì trái lại”32. Trong đó, phi biến (avikrïti) cũng là tự tánh.
Nói là hữu nhân bởi vì, từ đại (mahat) cho đến 5 đại (bhùta) đều có chúng. Mahat lấy prakrïti làm nhân. Nói là vô thường, vì như mahat sinh ra từ prakrïti, có sinh tất không có thường. Không phổ biến, vì chỉ có prakrïti và purusïa mới phổ biến khắp mọi nơi, ngoài ra, từ mahat trở xuống, tất cả đều bị hạn chế bởi không gian. Hữu sự, hiện tượng giới có co giãn có công dụng của chúng. Nhiều hiện tượng giới phức tạp, vạn thù sai biệt, trong khi
tự tánh duy chỉ có một. Y tha, như mahat nương vào prakrïti mà tồn tại, ahamïkàra nương vào mahat mà tồn tại, còn prakrïti không nương tựa vào đâu cả. Một, tiềm ẩn, bởi vì hiện tượng giới có luân chuyển thì chúng hiển lộ và khi lui về tiềm ẩn chúng trở lại với prakrïti không hiển lộ nữa. Hữu phần, vì hiện tượng giới bị cắt xén phân chia. Thuộc tha, hiện tượng giới lệ thuộc vào nhân của chúng, như con lệ thuộc cha mà có.
Trên đây là 9 đặc tính của 23 đế phát sinh từ prakrïti, và trái ngược lại là 9 đặc tính của prakrïti.
Trong lịch trình hiện tượng hóa, sản phẩm đầu tiên phát sinh từ prakrïti là đại (mahat). Như vậy, prakrïti, vì là nguyên nhân tối sơ, nên cũng được gọi là thắng nhân (pradhàna), cũng được gọi là Brahman, hay chúng trì (bahudhàtman); Đại (mahat) cũng được gọi là giác (buddhi) hay tưởng (samïvitti), biến mãn, trí (mati), huệ (prajnõà). Từ đại (mahat) phát sinh ngã mạn (ahamïkàra). Từ ngã mạn phát sinh 16 đế: 5 duy, 5 tri căn, 5 tác căn và ý. Trong đó, 5 duy phát sinh 5 đại (bhùta). Hiện tượng bao gồm trong 23 phạm trù này.
Sở dĩ mahat cũng được nói là buddhi, bởi vì nó có tác dụng phân biệt33. Nhưng vốn phát sinh từ prakrïti, nên bản chất của nó là vật chất, trong đó phản chiếu purusïa. Với ba gunïa, mahat có bốn phần thuộc sattva hay hỉ, những yếu tố của hướng thượng, và bốn phần của tamas hay ám, hướng hạ. Nếu sattva thắng thế, trấn áp được tamas, bấy giờ có sự hỉ lạc. Trái lại là trường hợp tamas thắng thế34. Ngã mạn (ahamïkàra) là khái niệm về một cái “tôi” chủ thể35, khi buddhi thể hiện thành cảm quan hay tri giác. Ahamïkàra hoạt động dưới ba trường hợp, tùy theo sự thắng thế của một trong ba gunïa:
1. Khi sattva thắng thế, nó được gọi là tát đỏa chủng (vaikàrika, hay sattvika). Nghĩa là, do sự thắng thế của hỉ nơi buddhi, trấn áp ưu và ám. Ahamïkàra được sinh ra từ loại đó sẽ làm phát sinh 11 căn: y, 5 tri căn và 5 tác căn, vì trong những căn này, yếu tố hỉ nổi bật.
2. Khi tamas hay ám trong buddhi thắng thế, ahamïkàra phát sinh từ trường hợp này nó sẽ làm nảy sinh 5 duy và 5 đại, bởi vì trong 5 duy và 5 đại này người ta thấy yếu tố si ám nổi bật.
3. Trong trường hợp rajas thắng thế, ahamïkàra thuộc loại taijasa, hay ràjasa (ưu chủng). Nó bổ sung năng lực cho hai loại trên.
Từ tát đỏa chủng phát sinh 11 căn: 5 tri căn, 5 tác căn và ý căn. Nói là căn (indriya) và đó là những căn năng hoạt động. 5 tri căn (jnõàna-indriya, hay buddhìndriya): mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. 5 tác căn (karma-indriyà): cơ năng nói (miệng), cầm (tay), cử động (chân), bài tiết và sinh sản. Sàmïkhya cho rằng 5 tri căn là những nhiệm vụ tinh thần do đó phát sinh từ ahamïkàra.
Manas, ý căn hay tâm căn có khả năng phân biệt và có hai loại: nếu cùng tương ưng với các tri căn thì nó cũng có tính cách như tri căn, nếu cùng tương ưng với các tác căn, nó cũng có tính cách như tác căn. Cũng như một người hoặc được gọi là khéo làm hoặc được gọi là khéo nói.
Ahamïkàra, sinh từ loại đa ma chủng hay ưu chủng, sẽ làm phát sinh 5 nguyên tố tế nhị, gọi là 5 duy (tanmàtra): sắc, hương, vị, xúc và thanh. Từ 5 nguyên tố này lại phát sinh 5 yếu tố vật chất hay 5 đại (bhùta), theo tương ưng của chúng: từ thành duy phát sinh không đại, xúc duy phát sinh phong đại, sắc duy phát sinh hỏa đại, vị duy sinh thủy đại, và hương duy phát sinh địa đại.
Buddhi, ahamïkàra, manas và các indriya, hoặc cùng lúc khởi tác dụng, hoặc tiếp nối nhau khởi tác dụng36. Nếu cả bốn cùng trực giác một đối tượng, cùng hoạt động trong một lúc, chúng được gọi là cùng khởi. Trường hợp khác, như khi con mắt (indriya) nhìn thấy một sự vật đằng xa, vì không rõ nên khởi tâm (manas) nghi ngờ: “Người hay cột nhà cháy?”; từ sự nghi ngờ này, ahamïkàra khởi tác dụng đưa đến gần đối tượng, và bấy giờ do tác dụng của buddhi mà thấy rõ đó là vật gì.
Bởi vì tất cả 23 đế này cùng lấy prakrïti làm nguyên chất tối sơ, và sự hiện diện thường trực của ba gunïa với một gunïa thắng thế và hai gunïa còn lại hỗ trợ, chúng hoàn toàn là vật chất, do đó không phải là tâm linh thuần túy, những hoạt động tinh thần của chúng, như nhận thức, ý chí hay tình cảm, đều là những hoạt động có tính cách giả tạo, phản chiếu bóng dáng của purusïa vốn là nguyên lý tâm linh thuần túy.
Như vậy, lịch trình hiện tượng hóa luôn luôn chỉ để phục vụ cho chủ đích của purusïa. Cũng như cây cối vốn vô tri nhưng có khả năng làm phát sinh hoa quả; hay nước tuôn chảy vì để cho đất đai phì nhiêu. Chính xác
hơn, nói theo thí dụ của Kàrikà 57: “Vì mục đích nuôi dưỡng dê mà sữa tuôn chảy từ vú của bò mẹ một cách vô tư. Cũng vậy, prakrïti vô tri, vì mục đích giải thoát của purusïa”37. Prakrïti như thế là một ân nhân của purusïa, luôn tìm đủ mọi phương kế để phục vụ cho purusïa, mang những phẩm tính mà nó có đến cho purusïa vốn không phẩm tính nào cả.
Hoạt động của prakrïti là những hoạt động vô tư, vị tha, không đòi hỏi một đáp ứng nào cho chính mình hết38. Hoạt động của 12 cơ năng (ahamïkàra, manas, jnõànendriya và 5 karmendriya) tiếp xúc với các tanmàtra và bhùta, tất cả đều vì mục đích của purusïa phản chiếu trong buddhi hay mahat. Các gunïa trong chúng vừa dị biệt và vừa cộng tác để hoạt động, cũng như dầu, tim bấc và ánh sáng của một ngọn đèn, hỗ tương cộng tác để soi sáng và phục vụ cho quyền lợi của purusïa39. Hoặc giả, cũng như tất cả thần dân, lao tác để kiếm tài sản, và tất cả tài sản này được nạp cho quốc vương. Cũng vậy, vì mục đích phục vụ cho purusïa, hoạt động của 13 cơ năng tinh thần đó đều quy chiếu về buddhi. Tất cả 13 phạm trù này, dưới sự chủ lãnh của mahat, không hoạt động cho một chủ đích nào khác ngoài mục đích của purusïa. Mỗi phạm trù thực hiện bổn phận riêng biệt của mình. Do đó, toàn bộ hoạt động sáng tạo của prakrïti, từ sản phẩm đầu tiên là mahat, cho đến cuối cùng là các bhùta, vì mục đích giải thoát của purusïa khỏi ba cõi, nó hành sự cho kẻ khác như chính là hành sự cho mình.
---o0o---