6. Hòa hiệp nghĩa (Sàmavàya)
IV.SUY LÝ HAY TỈ LƯỢNG (ANUMÀNA)
Theo nguyên nghĩa, anumàna chỉ cho tri thức khởi lên với hiệu lực tùy theo (anu) một nhận thức khác. Gautama nói rằng (Sùtra I.1.15) anumàna khởi lên tiếp theo sau pratyaksïa. Nói một cách tổng quát, đây là loại nhận thức mà hiệu lực của nó căn cứ trên diễn dịch và loại suy. Nó được dịch sang chữ Hán là “tỉ lượng” với ngụ ý rằng loại nhận thức này dựa trên sự so sánh, tức đặt trên quan hệ nhân quả giữa một định luật đã biết hay một quan niệm phổ biến, rồi từ đó diễn dịch ra hiệu lực của một nhận thức đang được đặt thành vấn đề. Thí dụ, khi thấy khói bốc lên phía bên kia núi mà biết rằng bên đó có lửa, như vậy là do căn cứ trên kinh nghiệm phổ thông theo đó, ở đâu có khói nhất định phải có lửa.
Suy luận trên định luật nhân quả có thể diễn ra hai chiều hướng ngược nhau. Hoặc có thể suy luận đi từ nguyên nhân mà tìm ra kết quả. Thí dụ, khi thấy mây kéo vần vũ, người ta biết chắc rằng trời sẽ đổ mưa. Nyàya gọi sự suy luận quan hệ nhân quả này là hữu tiền (pùrvavat). Trong trường hợp ngược lại, người ta đi từ kết quả có đó rồi lần đến nguyên nhân của nó. Thấy nước sông đầy thêm và đục hơn mà biết rằng đã có mưa trên nguồn. Loại nhận thức suy luận này, Nyàya gọi là hữu dư (sùesavat). Cũng có một loại nhận thức suy lý khác, căn cứ trên loại suy, trong trường hợp nhân quả đồng thời. Loại này, Nyàya gọi là bình đẳng tỉ lượng (sàmayatodrïsïta).
Khác với hiện lượng, mà phạm vi của hiệu lực tri thức chỉ giới hạn trong một cá nhân, ở đây phạm vi của tỉ lượng không chỉ riêng đối với chính ta mà còn có thể áp dụng đối với người khác. Do đó, xét trên khía cạnh này, tỉ lượng đến hai mục tiêu là: tự ngộ (svàrthànumàda), suy luận cho chính mình, và ngộ tha (paràrthanumàna), suy luận để truyền thông tư tưởng của mình cho kẻ khác. Các pháp thức luận lý được thiết lập chính là để thỏa mãn chủ đích thứ hai của tỉ lượng. Chúng ta sẽ trở lại nó trong phần kế tiếp.
---o0o---
V.THÍ DỤ LƯỢNG (UPAMÀNA): Loại suy)
Thí dụ lượng nhận thức căn cứ trên loại suy, lấy một vật đã biết để chỉ một vật chưa biết. Thí dụ, một người không rõ ý nghĩa xác thực về chữ “con bò” (gavaya), nay muốn biết, đó là con gì. Người khác có thể bảo: “Con bò như con trâu vậy” (gosadrïïsùah gavayahïï samïgraha). Nhờ thế, khi đi vào rừng, thấy con gì tương tợ như “con trâu” liền nhớ lại điều đã học trước đây, tức thì khởi lên ý nghĩ” “asau gavayapadavàcyahï”, đây là con bò.
Duy chỉ Nyàya là nhận có upamàna. Các nhà Phật học liệt nó vào hiện lượng và tỉ lượng. Sàmïkhya và Vaisùesïika liệt vào tỉ lượng.
---o0o---