VI. THANH LƯỢNG (SÙABDA-PRAMÀN A CHÍNH LÝ NGÔN NGỮ)
PHỤ LỤ C
III.HỌC PHÁI MÌMÀMÏSÀ (DI MAN TÁC)
Những triết gia Mìmàmïsà là những nhà nghiên cứu và biện luận trên căn bản triết lý để chú thích biện minh và thống nhất tất cả những nghi thức về tế lễ kỳ đảo, quy định lại những bộ thánh điển Vedas. Khoa học vấn này gọi là Tế sự học Mìmàmïsà (Karina-Mìmàmïsà). “Mìmàmïsà” có nghĩa thẩm sát và khảo cứu. Môn học này do triết gia Jaimini (khoảng 200-100 tdl) sáng lập. Tuy nhiên, tác phẩm của ông viết ra mới chỉ là những bài thơ ngắn về ý nghĩa tế tự để cầu tụng trong những cuộc lễ bái mà thôi. Khoảng 100 năm sau (thế kỷ I dl), một nhóm học giả kế thừa chí nguyện và ý tưởng của Jaimini viết thành kinh điển Mìmàmïsà-sùtra có hệ thống quy mô để truyền bá. Sau nhóm này, vào khoảng những năm 550 sdl trở lại, triết gia Sabarasvamin mới thành lập hẳn đường lối chú giải và biện minh những tương quan giữa thánh kinh Vedas và Mìmàmïsà-sùtra thành hệ thống riêng của học phái trong bộ Bhàsya của ông.
Để nghi thức hóa những cuộc tế lễ một cách cụ thể, học phái Mìmàmïsà chú trọng hơn cả vào biện minh về chữ Pháp (Dharma). Theo quy định trong kinh điển Vedas, Pháp là những nguyên tắc làm căn bản cho quan niệm về nghi thức và đường lối thực hành cùng tổ chức tế lễ. Cho nên, Pháp có giá trị tối thượng trong lĩnh vực đạo giáo Bà La Môn. Về hình thức tổ chức tế lễ theo Pháp là cần phải định rõ ba cấp bậc của thần minh mà thiết lập, thì tế lễ mới được linh ứng như sở cầu của tín đồ.
Về ý nghĩa siêu hình của Pháp, theo Mìmàmïsà, muốn được tỏ rõ phải dựa vào những lẽ cao xa tuyệt đối của thánh điển Vedas mà chứng luận mới được. Nếu không dựa vào thánh điển mà chứng luận, dẫu biện minh đến thế nào đi nữa cũng đều là phi pháp cả. Học phái này tin tưởng như vậy vì cho rằng thánh điển Vedas không thể do học giả phàm nhân trước tác nên nổi, mà toàn bộ thuần là những lời cực cao diệu của thần minh, có tính cách vĩnh tồn siêu thời gian. Dầu vạn vật có biến đổi, sinh sinh diệt diệt qua muôn vạn kiếp đi chăng nữa, thánh điển vẫn còn mãi mãi, bởi đó là lời nói của thần.
Về “âm thanh”, phái Mìmàmïsà chủ trương “thanh thường luận” vì đó là những âm vận in đậm vào cùng khắp không gian với thường trú tính nên cứ tự lưu truyền đến vĩnh viễn, không thể nào tan mất được. Thế nên, thánh kinh Vedas không phải là văn chương phàm nhân mà là lời nói của thần minh in đậm ra, gởi vào đấy. Vì vậy, thánh kinh mới có tự nhiên thường trú tính. Nếu ai cho rằng, lời nói chỉ là một loại âm thanh, nói ra rồi tan đi, là ngộ nhận lớn về giá trị của lời nói. Lời nói là cái cầu môi giới xây bằng âm thanh để biểu lộ những ý nghĩa của tư tưởng, mà tư tưởng là tinh thần, mà tinh thần là vĩnh cửu cho nên lời nói bao giờ cũng đồng nhất thường trú với tinh thần.
Triết gia Upavarsa (450-500 sdl) cho rằng, lời nói là âm của chữ varna do thần minh nghĩ ra để có cách truyền mệnh lệnh của đấng Thượng tôn xuống dân gian. Cho nên thế nhân, dầu kinh nghiệm và khôn ngoan sung mãn đến mấy, cũng không thể nào chế ra được văn tự, vì văn tự chính là công nghiệp của thần minh lưu lại cho nhân loại. Thánh điển Vedas gồm cả lời nói lẫn văn tự thì đâu có phải là sách vở, mà là giáo lệnh (codana). Cho nên, con người chỉ có phận sự tuyệt đối phụng tuân giáo điều và phục tùng mệnh lệnh của Thánh kinh mà thôi. Việc tuân phụng phục tùng ấy gọi là Pháp.
Riêng về những nghi thức tế lễ do học phái Mimamïsa quy định thì học phái này khuyến hóa rằng, nếu tổ chức tế lễ theo đúng như thể thức và tụng nguyện cầu khẩn y như văn bài là được hưởng phúc “dư lực” cả về phần thể lẫn phần hồn. Những người được hưởng phúc dư lực này, đều được chư thần xếp vào hạng tân đắc lực (apuvra). Khi đã được nhập hạng tân đắc lực mà vẫn nhất tâm tuân phụng chính đạo theo Mìmàmïsà-sùtra, theo thiện ý của thánh kinh Vedas, thì sẽ được dẫn độ lai sinh, vĩnh viễn được vinh hoa (abhyudaya), phúc lạc nơi thiên giới.
---o0o---