Về trường hợp trả lại đơn yêu cầu

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (Trang 53 - 54)

Các trường hợp trả lại đơn yêu cầu được quy định tại Điều 364 BLTTDS năm 2015, trong đó, có trường hợp sự việc người yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết (điểm b khoản 1 Điều 364 BLTTDS năm 2015). Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng quy định trả lại đơn đối với riêng đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn trong trường hợp này là chưa phù hợp và không nên áp dụng. Bởi “sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết” có thể chia ra hai trường hợp, có thể Tòa án đã giải quyết và ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng cũng có trường hợp Tòa án đã giải quyết mà không ra được bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc đã ra được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã bị hủy bỏ. Như vậy theo quy định này, hai vợ chồng mà trước đó đã yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn nhưng cuối cùng lại thỏa thuận được không ly hôn nữa và Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu thì không được thực hiện quyền yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn lần nữa (bởi vì việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết cũng có thể coi là trường hợp Tòa án đã giải quyết sự việc).

Việc ly hôn của hai vợ chồng trước đó có thể xem là đã được Tòa án giải quyết ngay cả khi không có bản án hay quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân có hiệu lực pháp luật giữa họ. Theo quy định của pháp luật nêu trên thì kể cả trong trường hợp này, đơn yêu cầu cũng bị Tòa án trả lại, trong khi yêu cầu ly hôn dù thuận tình hay không thì cũng là quyền nhân thân của mỗi người, nếu trước đó chưa có bản án hay quyết định có hiệu lực chấm dứt quan hệ hôn nhân của họ và các điều kiện để thụ lý khác đã được đáp ứng thì Tòa án phải thụ lý giải quyết cho họ chứ không được trả đơn (theo khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015, đương sự yêu cầu ly hôn có quyền nộp đơn khởi kiện lại nếu yêu cầu trước đó chưa được Tòa án chấp nhận, áp dụng tương tự đối với thuận tình ly hôn). Nếu đã có quyết định, bản án có hiệu lực chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa họ thì Tòa án không thụ lý giải quyết là hợp lý vì quan hệ hôn nhân đã chấm dứt rồi, không còn căn cứ để giải quyết nữa. (Không xét đến việc đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền khác Tòa án vì cơ quan có thẩm quyền khác nếu có thì chỉ hòa giải ở cơ sở, mà tính chất của yêu cầu hòa giải ly hôn ở cơ sở với yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn là không giống nhau, hay nói cách khác là không cùng một sự việc).

47

Từ những lý do trên, kiến nghị sửa căn cứ trả lại đơn tại điểm b khoản 1 Điều 364 BLTTDS năm 2015 thành “sự việc người yêu cầu yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và bản án, quyết định đó chưa bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, trường hợp chuyển vụ việc cho Tòa án khác giải quyết quy định tại Điều 41 BLTTDS năm 2015 chỉ áp dụng đối với vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án khác nhưng đã được Tòa án thụ lý. Vậy trong trường hợp nếu chưa thụ lý mà Tòa án xem xét đơn yêu cầu và xác định thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án khác thì có bắt buộc phải thụ lý không? Trường hợp này có thuộc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật là căn cứ để Tòa án trả lại đơn không? Việc sẽ xử lý đơn yêu cầu như thế nào trong trường hợp này vẫn chưa được pháp luật quy định, vì vậy cần có quy định về cách thức xử lý.

Nếu biết việc dân sự đó không thuộc thẩm quyền của mình nhưng vẫn phải tiến hành thụ lý rồi chuyển cho Tòa án khác thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền thụ lý của Tòa án khác và gây mất thời gian cho các Tòa án và đương sự. Do đó, trong trường hợp này, kiến nghị pháp luật cần có quy định bổ sung theo hướng Tòa án được trả lại đơn yêu cầu và Tòa án cần hướng dẫn người yêu cầu nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết, đảm bảo quyền thụ lý việc dân sự của Tòa án khác, hạn chế mất thời gian giải quyết cho Tòa án cũng như thời gian chờ đợi cho người yêu cầu.

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (Trang 53 - 54)