công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 366 BLTTDS năm 2015, khi có quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, Tòa án mới phải gửi quyết định mở phiên họp này và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp hồ sơ việc dân sự để Viện kiểm sát nghiên cứu, nhằm bảo đảm Viện kiểm sát thực hiện được vai trò của mình và hiểu rõ nội dung việc dân sự để tham gia vào phiên họp giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, như đã trình bày, thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn không có thủ tục mở phiên họp giải quyết việc dân sự (mặc dù trên thực tiễn có một số trường hợp Tòa án vẫn mở phiên họp giải quyết việc dân sự để giải quyết nhưng pháp luật hiện nay chưa có quy định về trường hợp này38) mà chỉ thông qua hòa giải.
Như vậy, pháp luật không có quy định Tòa án phải gửi hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Nếu Tòa án không phải gửi hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát thì có nghĩa Viện kiểm sát chỉ nhận được thông báo về việc Tòa án đã thụ lý việc dân sự (khoản 1 Điều 365 BLTTDS năm 2015), quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự (khoản 3 Điều 217 BLTTDS năm 2015) và quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự (theo khoản 4 Điều 397 và khoản 1 Điều 212 BLTTDS năm 2015) từ Tòa án. Như vậy Viện kiểm sát không có căn cứ để thực hiện vai trò kiểm sát việc thuân theo pháp luật tố tụng dân sự, quyền yêu cầu, kiến nghị. Và không được nghiên cứu hồ sơ hay tham gia phiên hòa giải thì căn cứ vào đâu để có thể kháng nghị giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm như theo quy định của pháp luật?
38
49
Bên cạnh đó, trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, sau khi hòa giải mà các đương sự vẫn không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ tiến hành phiên tòa sơ thẩm để giải quyết (tùy trường hợp, có thể tiến tới thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm). Còn trong thủ tục giải quyết việc dân sự, nếu qua hòa giải mà các vợ chồng vẫn không đoàn tụ và đã thỏa thuận được với nhau đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Quyết định này lại có hiệu lực pháp luật ngay, không còn qua thủ tục nào nữa nếu không có các căn cứ để Viện kiểm sát có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì vậy, phiên hòa giải trong việc giải quyết loại yêu cầu này mang tính chất quan trọng, quyết định đến kết quả giải quyết việc dân sự thuận tình ly hôn, vậy nên việc bảo đảm vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự, quyền yêu cầu, kiến nghị của Kiểm sát viên khi giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là vô cùng cần thiết.
Do đó, tác giả kiến nghị BLTTDS nên sửa đổi theo hướng: đối với việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, sau khi Tòa án đã xét thấy đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đầy đủ thì Tòa án phải gửi ngay hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát nghiên cứu, và việc nghiên cứu này diễn ra trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Đồng thời, phải có quy định bổ sung Kiểm sát viên vào thành phần tham gia phiên hòa giải. Điều này sẽ giúp cho Viện kiểm sát có điều kiện thực hiện vai trò của mình trong việc giải quyết loại việc này.