Về việc chuyển sang giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (Trang 61 - 63)

55

Theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS năm 2015, “trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định”.

Từ quy định này, tác giả xin được đặt ra các vấn đề như sau:

Thứ nhất, nếu chuyển từ việc dân sự sang để giải quyết theo vụ án dân sự, ai sẽ là nguyên đơn, ai sẽ là bị đơn? Điều này hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng, việc xác định nguyên đơn, bị đơn trong vụ án dân sự là vô cùng cần thiết, điều này có liên quan tới các vấn đề khác trong quá trình giải quyết vụ án dân sự như xác định người phải chịu án phí dân sự, hậu quả pháp lý trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa, quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của đương sự, các quyền, nghĩa vụ khác... Do đó, về vấn đề xác định ai sẽ là nguyên đơn, bị đơn khi chuyển từ việc dân sự sang vụ án dân sự, Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai, nếu chuyển việc dân sự sang để giải quyết theo vụ án dân sự, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nào, bởi vì tuy khoản 5 Điều 397 BLTTDS năm 2015 đã có quy định không phải phân công lại thẩm phán giải quyết vụ án, tức là có thể hiểu Tòa án đã giải quyết việc dân sự đó đương nhiên có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, vì thẩm quyền giải quyết việc dân sự thuận tình ly hôn thuộc về Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc (theo điểm h khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015); còn thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn thuộc về Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn trong trường hợp có thỏa thuận hoặc nơi cứ trú, làm việc của bị đơn nếu không có thỏa thuận. Do đó, nếu xét trên phương diện Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án dân sự thì có những trường hợp Tòa án trước đó đã giải quyết việc dân sự nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điều 39 BLTTDS năm 2015.

Dựa theo Điều 41 BLTTDS năm 2015, vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý, tác giả đưa ra kiến nghị như sau:

56

Tòa án nhân dân tối cao nên có văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng Tòa án đã giải quyết việc dân sự thuận tình ly hôn có quyền thụ lý vụ án dân sự nhưng phải tùy theo trường hợp. Sau khi xác định nguyên đơn, bị đơn, họ phải hỏi ý kiến của nguyên đơn, bị đơn, nếu nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết mà Tòa án đó là Tòa án đã thụ lý vụ án thì Tòa án đó tiếp tục giải quyết vụ án, nếu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc không phải là Tòa án đã giải quyết thì Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự đó phải chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý.

Nếu nguyên đơn, bị đơn không có thỏa thuận thì cần xác định Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp Tòa án nơi bị đơn cư trú chính là Tòa án đã thụ lý vụ án để giải quyết thì Tòa án đó tiếp tục giải quyết. Nếu Tòa án nơi bị đơn cư trú là Tòa án khác thì Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự đó phải chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý.

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (Trang 61 - 63)