2025
3.2.5. Tiếp tục xử lý nợ xấu
Trong hoạt động kinh doanh của mình, NHTM với vai trò là trung gian Tài chính cầu nối giữa các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, các cá nhân cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong nhiều trường hợp, khách hàng không thể trả được nợ theo như cam kết trong hợp đồng tín dụng, Tài sản bảo đảm giảm giá trị và thanh khoản kém khiến việc xử lý nguồn trả nợ thứ hai không còn hiệu quả, những khoản nợ của khách hàng tại Ngân hàng trở thành nợ xấu. Đặc biệt, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn thì các khoản nợ xấu có xu hướng tăng lên nhanh chóng, dẫn tới việc giảm khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế và nếu trầm trọng hơn sẽ là thua lỗ, mất thanh khoản của Ngân hàng. Các khoản nợ xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các Ngân hàng. Trên thực tế, về nguyên tắc, khi các thương vụ mua bán, sáp nhập Ngân hàng được tiến hành, các khoản nợ xấu phải được xác định một cách chính xác rồi mới định giá thương vụ.
Kinh nghiệm từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan đã cho thấy xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong tiến trình M&A NHTM. Tuy nhiên, những thông tin về nợ xấu ở Việt Nam hiện nay còn chưa minh bạch, các số liệu công bố về nợ xấu không thống nhất dẫn đến áp lực xử lý nợ xấu đối với Ngân hàng hậu sáp nhập là rất lớn. Chính vì vậy các bên liên quan trong thương vụ M&A cần xác minh và định giá một cách cẩn trọng các khoản nợ hiện hữu, phân loại các khoản nợ theo đúng tiêu chuẩn phân loại các nhóm nợ để tránh những tổn thất sau khi tiến hành thương vụ. Mặt khác, NHTM cũng cần lượng hóa các vấn đề có thể phát sinh để xây dựng cách thức xử lý các khoản nợ cho phù hợp thông lệ và đảm bảo lợi ích của Ngân hàng sau sáp nhập. Các NHTM khi thực hiện M&A Ngân hàng cần đánh giá đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ từ các khoản nợ bình thường tới các khoản nợ dưới
tiêu chuẩn hoặc khó thu hồi theo các tiêu chí đã được đề ra theo chính sách tín dụng được thống nhất về phân loại nợ và xếp hạng tín dụng; phân loại toàn bộ các khoản cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư theo mức độ rủi ro từ đó, Ngân hàng xây dựng các nhóm giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu.