Ngôn ngữ và giới tính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảnh huống ngôn ngữ ở người nùng vẻn (huyện hà quảng cao bằng) (Trang 25 - 27)

Chương 1 CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ THỰC TẾ

1.1. Những khái niệm có liên quan đến đề tài nghiên cứu

1.1.5. Ngôn ngữ và giới tính

Khái niệm giới chỉ mối quan hệ xã hội, mối tương quan giữa địa vị xã hội của nam và nữ trong bối cảnh xã hội cụ thể. Nói đến giới là nói đến điều kiện và yếu tố quy định vị trí, vai trò, hành vi của mỗi giới trong hoàn cảnh xã hội cụ thể. Giới tính và ngôn ngữ là một trong những vấn đề được Ngôn ngữ học xã hội quan tâm. Từ hai hướng tiếp cận chính là ngôn ngữ của mỗi giới và ngôn ngữ nói về mỗi giới, các công trình nghiên cứu và khảo nghiệm đã xác định rõ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau, nhưng điểm chung nhất là đều chỉ ra sự khác biệt về ngôn ngữ giữa nam và nữ.

Về ngôn ngữ của giới, sự khác biệt thể hiện trong cách sử dụng ngôn ngữ giữa nam và nữ trên các phương diện: đặc điểm sinh lí cấu âm; đặc trưng âm vị, từ vựng, cú pháp; phong cách ngôn ngữ.

Kết quả các công trình nghiên cứu đã có về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới tính cho thấy ba khía cạnh:

Thứ nhất, sự khác biệt về sinh lí cấu âm của mỗi giới dẫn đến sự khác biệt âm thanh ngôn ngữ giữa nam giới và nữ giới như: âm thanh ngôn ngữ của nữ giới thường trong và cao, âm thanh ngôn ngữ của nam giới thường trầm và đục.

Thứ hai, sự khác nhau về ngôn ngữ giữa nam và nữ còn thể hiện ở ngôn ngữ nói về mỗi giới. Đây là sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới tính thể hiện trong ngôn ngữ như: sự định kiến về giống, tính vô hình của nữ giới trong ngôn ngữ, kết cấu của những diễn ngôn ngôn có nội dung phân biệt đối xử về giới...

Thứ ba, sự khác nhau về ngôn ngữ giữa nam và nữ thể hiện qua ngôn ngữ mà mỗi giới sử dụng như: cách diễn đạt, cách sử dụng ngôn ngữ để biểu thị cùng một nội dung. Đây là sự khác nhau trên bình diện phong cách ngôn ngữ mang yếu tố giới tính.

Trước sự khác biệt trong ngôn ngữ giữa nam giới và nữ giới, hiện nay đang có một số hướng lí giải sau:

Hướng thứ nhất, cho rằng sự khác biệt là do đặc điểm về sinh học bẩm sinh của mỗi giới tác động đến tinh thần và tâm tính, tạo ra sự khác biệt về ngôn ngữ của giới.

Hướng thứ hai, nhấn mạnh sự ảnh hưởng của xã hội cũng như địa vị xã hội của mỗi giới dẫn đến hiện tượng khác biệt về ngôn ngữ giữa nam và nữ.

Hướng thứ ba, cho rằng sự khác nhau trong ngôn ngữ giữa nam giới và nữ giới là do sự khác nhau cơ bản của giới trong hành động ứng xử ngôn ngữ, cụ thể là sự phân bố quyền lực khác nhau trong xã hội.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn xuất phát từ vai xã hội với "thiên chức" người phụ nữ để khẳng định rằng cách nói năng của phụ nữ mang cả sứ mệnh "dẫn dắt", từ đó đặt ra giả thiết: Phải chăng đây cũng là lí do để cách nói năng của nữ giới mang phong cách nữ tính?

Có thể nói, sự khác biệt về giới tính là sự tồn tại có thực trong giao tiếp ngôn ngữ và được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn sẽ tìm hiểu tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Nùng Vẻn ở Cao Bằng theo sự phân biệt về giới tính để thấy được sự khác biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ ở mỗi giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảnh huống ngôn ngữ ở người nùng vẻn (huyện hà quảng cao bằng) (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)