Những giải pháp cụ thể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảnh huống ngôn ngữ ở người nùng vẻn (huyện hà quảng cao bằng) (Trang 83 - 109)

Chương 1 CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ THỰC TẾ

4.3. Phương hướng chung và những giải pháp cụ thể

4.3.2. Những giải pháp cụ thể

4.3.2.1. Giáo dục song ngữ và tái hiện không gian văn hóa tại trường học

1/ Giáo dục song ngữ trong trường học ở vùng đồng bào DTTS là mô hình dạy học hay và đã được áp dụng thành công tại nhiều địa phương. Trong các công trình nghiên cứu về cảnh huống ngôn ngữ trước đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phương án giáo dục song ngữ cho đối tượng HS. Nhận thấy những phương hướng này thích hợp và khả thi tại cộng đồng Nùng Vẻn, luận văn xin được kế thừa như sau:

- Cách 1: Với những HS đầu bậc TH, sự hỗ trợ của TMĐ của HS là rất cần thiết. Cụ thể, lúc đầu TMĐ của HS sẽ được sử dụng vừa như phương tiện vừa như đối tượng, sau đó chuyển dần chỉ là đối tượng ở các lớp trên. Ngược lại, tiếng lúc đầu là đối tượng, sau chuyển dần vừa như phương tiện vừa như đối tượng ở các lớp trên.

- Cách 2: Việc dùng TMĐ để hỗ trợ cho TV trong dạy và học, để giải nghĩa TV (những trường hợp nhất định) là cần thiết. Ở các lớp thuộc đầu bậc TH, việc giải nghĩa bằng TMĐ của HS có thể được dùng tương đối thường xuyên, sau đó giảm dần và rồi quá trình dạy - học chỉ bằng TV. Song, để thực hiện được cách này, GV nhất thiết phải biết TMĐ của HS, nếu không, phải nhờ đến "trợ lí ngôn ngữ" - một người có trình độ song ngữ tương đối cao giúp đỡ GV và HS trong lớp học.

Trong bối cảnh chung của giáo dục Việt Nam và thực tế ở vùng đồng bào Nùng Vẻn, thiết nghĩ:

- Đối với các lớp Mẫu giáo và lớp đầu bậc TH (lớp Một) nên áp dụng cách: dạy tập nói TV cho HS trước khi vào TH với mục đích là giúp HS đỡ bỡ ngỡ, chủ động dùng TV ở các lớp trên. Ở giai đoạn này, TMĐ của HS dùng để hỗ trợ cho TV trong dạy và học, để giải nghĩa TV (trong những trường hợp cần thiết). Có thể thử nghiệm cách này trong một số môn học như: TV, Đạo đức,...

- Đối với những HS lớp Bốn, lớp Năm có thể áp dụng cách giáo dục truyền thống: dạy học TV bằng TV, tức là TV vừa như phương tiện vừa như đối tượng dạy học. Đồng thời, để bảo tồn và phát triển tiếng Nùng Vẻn, ở giai đoạn này cần nghĩ đến việc dạy và học ngôn ngữ của người Nùng Vẻn như một môn học.

2/ Tái hiện không gian văn hóa của người Nùng Vẻn (và các dân tộc khác), đồng thời thành lập nhóm hướng dẫn viên nói tiếng Nùng Vẻn tại trường học cũng là một biện pháp khả thi, nhằm giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa của người Nùng Vẻn. Tại không gian văn hóa này, học sinh Nùng Vẻn có thể giới thiệu cho khách tham quan, thầy cô và bạn bè dân tộc khác về cấu trúc làng bản, đặc điểm nhà ở, dụng cụ phục vụ sinh hoạt hằng ngày, công cụ lao động, lời ca điệu múa và cả những thói quen sinh hoạt hằng ngày của người Nùng Vẻn (có ghi chú bằng tiếng Nùng Vẻn). Cách thực hiện này giúp các em rèn luyện tiếng mẹ đẻ, lại tự tin hơn trong giao tiếp, đồng thời thêm yêu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

4.3.2.2. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian và sử dụng tiếng Nùng Vẻn trên các phương tiện thông tin đại chúng

Thường xuyên tái hiện những lễ hội văn hóa truyền thống hay tổ chức những cuộc thi văn nghệ của người Nùng Vẻn nhằm khuyến khích sưu tầm và thể hiện văn nghệ dân gian, bằng TMĐ và đối dịch. Khi có ý thức về những giá trị truyền thống đó, người Nùng Vẻn sẽ thêm trân trọng, có ý thức giữ gìn TMĐ là chất liệu tạo nên những giá trị tinh thần đặc sắc của cộng đồng mình.

Mỗi gia đình người Nùng Vẻn cần có ý thức dạy tiếng Việt cho con em mình trước khi các em đủ tuổi đến trường bằng cách sử dụng hài hòa tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp, thường xuyên cho các em tiếp xúc với những chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Việt. Trên các phương tiện phát thanh truyền hình địa phương hay những biển quảng cáo, khẩu hiệu... cần sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ là TV và tiếng Nùng Vẻn (chữ viết hệ Latinh ghi âm tiếng Nùng Vẻn). Bên cạnh đó, cần tích cực phát sóng, đưa tin những hoạt động văn hóa văn nghệ (như trên) của người Nùng Vẻn để họ thêm tự hào và trân trọng những giá trị truyền thống của cộng đồng mình.

4.3.2.3. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ của người Nùng Vẻn

Chữ viết có vai trò quan trọng đối với việc duy trì một ngôn ngữ, vì vậy việc xây dựng chữ viết cho người Nùng Vẻn là việc làm cần thiết lúc này. Cũng như khi xây dựng chữ viết cho các dân tộc khác ở Việt Nam, xây dựng chữ viết cho người Nùng Vẻn cần đảm bảo các nguyên tắc đơn giản, dễ nhớ, dễ sử dụng. Thiết nghĩ, dùng bộ chữ cái hệ Latin để ghi âm tiếng Nùng Vẻn cũng là một lựa chọn phù hợp.

Sau khi xây dựng, bộ chữ này cần được truyền bá và sử dụng để ghi chép và tiếp nhận các văn bản bằng chữ. Nếu được thực thi, đây sẽ là động lực thúc đẩy cộng đồng Nùng Vẻn bảo tồn và phát triển ngôn ngữ và các mặt văn hóa khác bằng chính chữ viết của mình. Cùng với tiếng nói, chữ viết sẽ là công cụ để người Nùng Vẻn giãi bày, lưu giữ lại những tâm tư, tình cảm và cả những tác phẩm văn nghệ dân gian, là cơ sở để hình thành và phát triển ngôn ngữ văn học.

Song song với đặt chữ viết, việc biên soạn từ điển và xây dựng kho dữ liệu tiếng Nùng Vẻn với các ấn phẩm ở hai dạng sách in và sách điện tử cần được quan tâm đầu tư thích đáng. Ngoài ra, cần tăng cường biên soạn các loại sách bổ trợ cho HS Nùng Vẻn bằng hai thứ chữ: chữ Quốc ngữ và chữ Nùng Vẻn như: sách hội thoại, sách du lịch, văn nghệ dân gian Nùng Vẻn,... Tuy nhiên, ngoài nội dung hấp dẫn thì sách cần có hình thức trình bày hấp dẫn, kênh hình đa dạng, bắt mắt nhằm thu hút đối tượng độc giả nhỏ tuổi.

4.3.2.4. Tạo nên những nhu cầu thực tế có liên quan đến giáo dục và sử dụng ngôn ngữ

Đồng bào Nùng Vẻn nói riêng và xã Nội Thôn nói chung còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất, mức sống chênh lệch nhiều so với khu vực thị trấn Hà Quảng và thành phố Cao Bằng. Hoàn cảnh ấy không cho phép bà con mở mang và phát triển đối với các lĩnh vực sống có liên quan chặt chẽ với hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ như: giáo dục, sinh hoạt văn hóa và thụ hưởng truyền thông. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình quá nghèo, bố mẹ dành nhiều thời gian cho việc phát triển kinh tế, quan tâm chưa đủ đến vấn đề học tập của con. Cần có thêm nhiều sách vở hấp dẫn, có đài và báo đầy đủ hơn cho HS Nùng Vẻn tiếp xúc sớm với tiếng Việt, kích thích việc học tập và sử dụng tiếng Việt.

Đồng thời, cần giáo dục cho cộng đồng Nùng Vẻn và con em người Nùng Vẻn thêm trân trọng vốn văn hóa truyền thống trong đó có TMĐ của mình, có ý thức học tập và sử dụng TMĐ trong đời sống.

4.4. Tiểu kết

1/ Hầu hết người Nùng Vẻn có nguyện vọng được sử dụng TMĐ khi giao tiếp trong gia đình và những giao tiếp mang tính chất nội bộ nhóm người. Trong những hoàn cảnh giao tiếp khác như nói ở nơi công cộng và nói ở UBND xã, huyện thì TV lại chiếm ưu thế. Trong sinh hoạt văn hóa văn nghệbộ phận người Nùng Vẻn trẻ tuổi thích sử dụng TV, bộ phận khác là những người lớn tuổi hơn lại thích sử dụng TMĐ.

Trong trường học, đa số cho rằng GV nên sử dụng đồng thời TV và TMĐ khi dạy học. Mong muốn này xuất phát từ thực tế HS Nùng Vẻn thuần thục TMĐ nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp nhận tri thức TV.

Trong truyền thông, 100% người Nùng Vẻn sử dụng TV đối với các loại hình ti vi, loa phát thanh, sách báo. Tuy nhiên, kết quả điều tra thái độ của họ đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông lại cho thấy mong muốn được tiếp nhận truyền thông bằng TMĐ của tất cả người Nùng Vẻn. Trong hôn

nhân, người Nùng Vẻn hiện nay không quá quan trọng việc đối tượng kết hôn của mình hoặc của thành viên trong gia đình mình nói được hay không nói được TMĐ.

Đối với vấn đề duy trì ngôn ngữ dân tộc, tất cả người Nùng Vẻn đều muốn truyền lại TMĐ cho thế hệ sau. Nói chuyện hàng ngày bằng TMĐ là một cách truyền thụ ngôn ngữ của nhiều người Nùng Vẻn, kết hợp với một số cách khác như dùng TMĐ để kể chuyện, gọi tên những đồ vật phục vụ sinh hoạt và dụng cụ lao động trong gia đình...

100% người Nùng Vẻn có nguyện vọng học chữ Quốc ngữ, nhưng phần lớn lại cho rằng không cần có chữ viết cho người Nùng Vẻn với lý do: tốn nhiều thời gian công sức đi học nhưng học xong cũng không cần dùng đến, lâu dần sẽ quên. Số ít người lại tỏ mong muốn cần có chữ viết riêng để người Nùng Vẻn có thể bảo tồn ngôn ngữ dân tộc và ghi lại những bài cúng hay sáng tác văn học dân gian bằng chữ viết của dân tộc mình.

2/ Các nhà quản lí tại địa phương có đồng bào Nùng Vẻn hầu hết có xu hướng đánh giá khả năng dùng TV và TMĐ của lớp trẻ người Nùng Vẻn là ở mức độ “tốt”, chỉ một vài người lớn tuổi không biết TV hoặc khả năng TV kém. Đồng thời, họ cho rằng việc nâng cao năng lựuc TV ở người Nùng Vẻn là nhiệm vụ cần ưu tiên trước hết. Kết quả giáo dục báo cáo hàng năm cũng cho thấy thành tích học tập của HS Nùng Vẻn còn chưa cao, mà một phần nguyên nhân bởi khả năng TV ở những đối tượng này còn chưa hoàn thiện. Bởi vậy, họ cho rằng việc nâng cao năng lực TV ở người Nùng Vẻn là nhiệm vụ cần ưu tiên trước hết.

Từ tình hình sử dụng ngôn ngữ, năng lực ngôn ngữ và sự định giá ngôn ngữ ở cộng đồng Nùng Vẻn, luận văn nêu những vấn đề đặt ra đối với ngôn ngữ Nùng Vẻn, đó là thực trạng mai một ngôn ngữ được biểu hiện qua: số người nói ít, phạm vi sử dụng hẹp, chịu áp lực từ ngôn ngữ Quốc gia (TV) và ngôn ngữ vùng có vị thế cao hơn (tiếng Nùng, Tày); không phải là đối tượng, cũng không phải là phương tiện của hoạt động dạy và học trong nhà trường;

không được sử dụng trong truyền thông; không có chữ viết, không có ngôn ngữ văn học, văn hóa dân gian chỉ được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng; người dân chưa thực sự đề cao TMĐ. Khả năng sử dụng TV trong ở HS Nùng Vẻn còn chưa hoàn thiện, năng lực TV ở HS Nùng Vẻn còn chưa đủ tốt trong học và hành. Vấn đề nâng cao năng lực TV cho HS người Nùng Vẻn luôn được những người làm công tác giáo dục đặc biệt quan tâm. Nhưng làm thế nào để nâng cao được năng lực TV, đồng thời không để việc sử dụng TV trở thành rào cản trong việc bảo tồn phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ ở HS Nùng Vẻn lại là một bài toán khó

Một số phương án bảo tồn phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ của người Nùng Vẻn: giáo dục song ngữ; đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian và sử dụng tiếng Nùng Vẻn trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ của người Nùng Vẻn; đặc biệt chú trọng cải thiện các điều kiện vật chất để tạo tiền đề mở mang và phát triển đối với các lĩnh vực sống có liên quan chặt chẽ với hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ như: giáo dục, sinh hoạt văn hóa và thụ hưởng truyền thông.

KẾT LUẬN

1. Có 4 ngôn ngữ được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày ở cộng đồng Nùng Vẻn, bao gồm : tiếng Nùng Vẻn, TV, tiếng Nùng, tiếng Tày. Trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về TV và tiếng Nùng Vẻn, sau đó là tiếng Nùng. Tùy vào những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau mà người Nùng Vẻn ưu tiên sử dụng ngôn ngữ này hay ngôn ngữ khác. Trong phạm vi gia đình, nhất là những hoàn cảnh sinh hoạt có tính chất nội bộ tộc người thì TMĐ chiếm ưu thế; với những giao tiếp ngoài xã hội thì ưu thế lại thuộc về TV và tiếng Nùng.

Trạng thái ngôn ngữ phổ biến của người Nùng Vẻn là song ngữ TMĐ - TV. Trạng thái này xuất hiện nhiều nhất ở thế hệ trẻ (độ tuổi dưới 26), giảm dần ở lớp trung niên (độ tuổi từ 26 đến 45). Ngoài ra còn có hiện tượng song ngữ Nùng Vẻn - Nùng, được dùng khi nói với khách là người dân tộc khác và trong những giao tiếp ngoài xã hội. Trạng thái đa ngữ chủ yếu là sử dụng được ba ngôn ngữ : tiếng Nùng Vẻn - TV - tiếng Nùng. Trạng thái đa ngữ cao nhất là sử dụng được 4 ngôn ngữ : tiếng Nùng Vẻn - TV - tiếng Nùng - tiếng Tày.

Nhìn chung, 100% người Nùng Vẻn nghe nói thạo TMĐ và hầu hết sử dụng được TV. Song, năng lực ngôn ngữ theo sự phân biệt về giới tính, độ tuổi, học vấn, nghề nghiệp là không giống nhau. Về khả năng tiếng Tày và tiếng Nùng: Theo sự phân biệt về giới tính: khả năng ở nam tốt hơn ở nữ; Theo sự phân biệt về độ tuổi: mối tương quan giữa độ tuổi và khả năng ngôn ngữ tỉ lệ nghịch; Theo sự phân biệt về học vấn: phần lớn những người không có học vấn và học vấn thấp sử dụng hai ngôn ngữ này tốt hơn; Theo sự phân biệt về nghề nghiệp: những người làm ruộng nghe nói tốt hơn những người thuộc các nhóm nghề nghiệp khác.

2. Trong nhà trường, đa số HS Nùng Vẻn ở trong trạng thái song ngữ. TV chiếm ưu thế ở những hoạt động trong giờ học, còn ngoài giờ học thì TV đóng vai trò bổ trợ cho tiếng Nùng Vẻn. Ngoài ra còn gặp trạng thái đa ngữ tiếng Nùng Vẻn - TV - tiếng Nùng. Tuy nhiên, khả năng nghe nói tiếng Nùng của các em chưa hoàn thiện. Kết quả đánh giá năng lực ngôn ngữ ở HS Nùng Vẻn theo khối lớp

và giới tính cũng cho những kết quả đáng chú ý: Những HS ở cấp học cao hơn ở thường có năng lực TV tốt hơn; Những HS nữ ở Tiểu học thường có khả năng TV tốt hơn HS nam cùng cấp, và tình tình ngược lại ở cấp học cao hơn.

Về năng lực viết chữ Quốc ngữ: nhìn chung HS Nùng Vẻn không được đánh giá cao. Bài viết của các em thường mắc phải những lỗi về chính tả, dùng từ và đặt câu. Những lỗi này phần vì người viết nhầm lẫn cách phát âm của TV và TMĐ (chuyển di tiêu cực), phần vì chưa hiểu tường tận ý nghĩa của từ dẫn đến việc tạo nên những cụm từ, những câu vô nghĩa hoặc sai phong cách chức năng.

3. Trong truyền thông, người Nùng Vẻn ưu tiên sử dụng TV ở hầu hết các loại hình truyền thông (xem ti vi, nghe loa phát thanh, đọc sách báo). Chỉ khi nói chuyện điện thoại, người Nùng Vẻn mới sử dụng cả ba ngôn ngữ TMĐ, TV, tiếng Nùng. Đây cũng là loại hình truyền thông duy nhất mà 100% người Nùng Vẻn có khả năng hiểu rõ nội dung diễn ngôn khi tiếp nhận. Đối với các loại hình khác khả năng hiểu rõ khi xem ti vi ở vị trí cao nhất (89.7%), thứ hai là khi nghe loa phát thanh (85.9%), thấp nhất là đọc sách báo (43.6%).

4. Có rất nhiều vấn đề cần đặt ra đối với cảnh huống ngôn ngữ ở người Nùng Vẻn: tình trạng mai một ngôn ngữ, vấn đề xây dựng chữ viết, vấn đề giáo dục ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông cũng như trong văn hóa nghệ thuật. Từ thực tế đó, gắn với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về ngôn ngữ DTTS, luận văn đã đưa ra một số phương án nhằm giải quyết vấn đề đặt ra như: giáo dục song ngữ; đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian và sử dụng tiếng Nùng Vẻn trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ của người Nùng Vẻn;

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảnh huống ngôn ngữ ở người nùng vẻn (huyện hà quảng cao bằng) (Trang 83 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)