Chương 1 CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ THỰC TẾ
2.2. Những hoàn cảnh giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày ở ngườ
Xã Nội Thôn là địa bàn cư trú lâu đời và tương đối tập trung của người Nùng Vẻn. Cấu trúc làng bản của người Nùng Vẻn khá giống người Nùng An, Nùng Giang. Nhà của người Nùng Vẻn được dựng xếp theo hàng ngang, nhấp nhô lớp trước lớp sau tạo thành một hệ thống phòng thủ chống trộm. Tính cộng đồng của người Nùng Vẻn còn được biểu hiện qua tục lệ nối mái nhà. Nhìn từ phía sau hoặc nhìn từ trên cao xuống, dễ thấy những ngôi nhà có phần mái dài hơn 3 hoặc bốn lần so với việc nhìn trực diện từ phía trước. Những ngôi nhà cạnh nhau, được kê ván nối liền ở trước cửa và trổ vách (để tiện cho việc đi lại) là của những người có quan hệ huyết thống. Tục nối mái, trổ vách và bắc cầu
gỗ liên sàn là biểu hiện rõ ràng cho tính cộng đồng làng bản của người Nùng Vẻn. Cũng bởi sự gắn kết của tình làng nghĩa xóm lại thêm truyền thống trân trọng những giá trị tinh thần xa xưa mà TMĐ của người Nùng Vẻn vẫn được sử dụng trong cộng đồng.
Trong sinh hoạt, người Nùng Vẻn thường bắt gặp hai hoàn cảnh giao tiếp cơ bản: giao tiếp trong gia đình và giao tiếp ngoài xã hội. Giao tiếp trong gia đình là: nói chuyện với ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cái; nói chuyện với khách là người dân tộc mình; nói chuyện với khách là người Kinh; nói chuyện với khách là người dân tộc khác (không phải người Kinh và người dân tộc mình). Giao tiếp ngoài xã hội là: giao tiếp quy thức (giao tiếp hành chính) với các hoàn cảnh: nói trong các cuộc họp ở xã, huyện, tỉnh... và giao tiếp phi quy thức với các hoàn cảnh: nói ở chợ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ.
Trong giao tiếp gia đình và những hoàn cảnh giao tiếp mang tính chất phi quy thức, tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Nùng Vẻn khá phức tạp do chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó có đối tượng giao tiếp. Thực tế, gia đình của người Nùng Vẻn cũng có thể có người thuộc dân tộc khác (chẳng hạn: chồng người Nùng Vẻn, vợ người Nùng; hay chồng là người Nùng Vẻn, vợ người Tày).
Gia đình người Nùng Vẻn thường bao gồm nhiều thế hệ sinh sống. Ở đây có thể gặp sự phân tầng về lứa tuổi, giới tính, kéo theo là trình độ và các vai giao tiếp khác nhau. Những yếu tố này ít nhiều đều có tác động đến việc lựa chọn ngôn ngữ của những thành viên trong gia đình. Ở ngoài gia đình, việc sử dụng ngôn ngữ của mỗi người cũng không đơn giản do đối tượng giao tiếp đa dạng hơn về thành phần dân tộc.
Như vậy, tùy thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp mà người Nùng Vẻn ưu tiên sử dụng ngôn ngữ này hay ngôn ngữ khác. Nhận định này được xem như định hướng ban đầu cho những điều tra về năng lực ngôn ngữ trong sinh hoạt hằng ngày của luận văn.