CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ BẢO HỘ
1.3. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với bài giảng trong giảng dạy trực
1.3.1. Hành vi sao chép bài giảng không hợp pháp
Thực chất, hành vi sao chép bài giảng sẽ có hai trường hợp: hợp pháp và không hợp pháp. Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam lại không chỉ ra đâu là những hành vi sao chép tác phẩm (bài giảng trong giảng dạy trực tuyến) không hợp pháp mà chỉ đưa ra những hành vi sao chép tác phẩm được coi là hợp pháp. Do đó, có thể hiểu một cách ngắn gọn, ngoài những hành vi sao chép hợp pháp do luật định thì tất cả những hành vi sao chép khác đều sẽ là không hợp pháp.
21
Là những thực thể riêng biệt, mỗi cá nhân sẽ có những nhận định và quan điểm khác nhau về sao chép. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”[13].Việc sao chép có thể được tiến hành một cách trực tiếp – là việc tạo ra bản sao từ chính các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, hoặc gián tiếp – là việc tạo ra bản sao không từ chính các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình như sao chép từ mạng thông tin điện tử, chương trình phát sóng trực tuyến hay các hình thức tương tự khác. Như đã đề cập ở phần khái niệm, bài giảng trong giảng dạy trực tuyến vốn là sản phẩm của sự sáng tạo do người giảng dạy xây dựng và đáp ứng đủ điều kiện để phát sinh quyền tác giả. Do đó đây được coi là loại hình tác phẩm có tính đặc thù và được bảo hộ quyền tác giả. Quyền sao chép tác phẩm bao gồmcả bài giảng trong giảng dạy trực tuyến là một trong những quyền tài sản quan trọng nhất của quyền tác giả[14], do “chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”[15]. Bởi vậy, về nguyên tắc, hành vi sao chép tác phẩm được coi là hợp pháp khi hành vi đó được thực hiện bởi chính chủ sở hữu quyền tác giả hoặc được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là tác giả của bài giảng hoặc chính cơ sở giáo dục đại học.
Rõ ràng, trên cơ sở đó có thể khẳng định rằng trong suốt thời hạn bảo hộ quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giữ độc quyền đối với việc sao chép tác phẩm (bài giảng trong giảng dạy trực tuyến). Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cho phép sử dụng tác phẩm, bao gồm sao chép tác phẩm mà không phải xin phép cũng như không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Hai trong số những trường hợp được sao chép tác phẩm một cách hợp pháp ấy là“tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” [16] không nhằm mục đích thương mạivà“sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu” [17].Theo đó, việc sao chép tác phẩm
22
không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao chỉ được tiến hành khi đáp ứng được các điều kiện cơ bản như:(1) Tự thực hiện hành vi sao chép; (2) Chỉ sao chép nhằm mục đích được quy định trong luật; (2) Số lượng bản sao chép không được quá một bản; (3) Việc sao chép không gây ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Đối với trường hợp “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân”, pháp luật Việt Nam chỉ quy định mục đích sao chép giới hạn ở nghiên cứu và giảng dạy. Do đó, dù sao chép một phần rất nhỏ của tác phẩm hay toàn bộ tác phẩm với các mục đích khác nằm ngoài mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cá nhân như mục đích học tập của hay mục đích giải trí…mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì đều trái với quy định của pháp luật.
Nhìn chung, mọi hành vi sao chép tác phẩm tại bất cứ nơi đâu bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không thuộc các trường hợp ngoại lệ được quy định trong pháp luật Việt Nam thì đều bị coi là hành vi sao chép tác phẩm không hợp pháp và trực tiếp xâm phạm đến quyền tác giả. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và con đường dạy học trực tuyến dường như trở thành con đường hữu hiệu nhất để đưa kiến thức đến với sinh viên như hiện nay thì sao chép tác phẩm không hợp pháp càng được tiến hành một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn bao giờ hết thậm chí là với số lượng bản sao khá lớn. Vì vậy, trên thực tế khó có thể kiểm soát được số lượng tác phẩm được sao chép gắn với mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như việc lưu trữ bản sao kỹ thuật số của thư viện. Đây là một thách thức lớn trong việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với bài giảng trong giảng dạy trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đại học.