1.3 Quy trình kiểm toán doanh thu trong kiểm toán BCTC
1.3.2. Mục tiêu kiểm toán Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 - Mục tiêu tổng thể của Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012 của Bộ Tài chính - “Đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, từ đó giúp kiểm toán viên đưa ra ý kiến về việc liệu BCTC có được lập phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng, trên các khía cạnh trọng yếu hay không. Lập BCKT về BCTC và trao đổi thông tin theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, phù hợp với các phát hiện của kiểm toán viên”
Hay nói cách khác, mục tiêu chung của kiểm toán Báo cáo tài chính là thu thập bằng chứng để đưa ra kết luận trình bày trên một Báo cáo kiểm toán thích hợp
Bên cạnh mục tiêu kiểm toán chung, thì tùy thuộc vào chu trình kiểm toán cụ thể mà các mục tiêu cũng được cụ thể hóa cho phù hợp. Khi tiến hành kiểm toán khoản mục doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trên Báo cáo tài chính, các kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán viên cần phải áp dụng các phương pháp kĩ thuật trong kiểm toán nhằm đạt được các mục tiêu chung và mục tiêu đặc thù.
Mục tiêu chung bao gồm tính hợp lý chung và một số mục tiêu khác. Trong đó, mục tiêu hợp lý chung bao gồm xem xét, đánh giá tổng thể số liệu trên các khoản mục cơ sở, cam kết chung về trách nhiệm của các nhà quản lý và thông tin thu được qua khảo sát thực tế tại khách thể kiểm toán. Để có thể đánh giá được mục tiêu hợp lý chung thì Kiểm toán viên cần có sự nhạy bén, khả năng phán đoán cùng phương pháp làm việc thực tế tại đơn vị khách hàng. Nếu bằng nghiệp vụ của mình kiểm toán viên nhận thấy mục tiêu hợp lý chung chưa đạt được thì cần phải sử dụng các mục tiêu khác. Đó là: tính hiệu lực, trọn vẹn, quyền và nghĩa vụ, tính giá, chính xác cơ học, phân loại và trình bày.
- Mục tiêu về tính hiệu lực (tính có thật): Các nghiệp vụ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đã được ghi sổ phải thực sự phát sinh trong thực tế.
- Mục tiêu về tính trọn vẹn: Các nghiệp vụ về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trên thực tế xảy ra phải được ghi nhận đầy đủ.
- Mục tiêu về quyền và nghĩa vụ: Sản phẩm, hàng hóa đem bán và trao đổi phải thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp chứ không phải là hàng giữ hộ hay hàng gửi bán. Sau khi bán doanh nghiệp không còn quyền sở hữu nhưng được quyền ghi nhận doanh thu đối với tài sản là sản phẩm hàng, hóa đó.
- Mục tiêu định giá: Doanh thu phải được phản ánh đúng số tiền. Tức là, doanh thu trên sổ sách được hạch toán phải khớp với các hóa đơn bán hàng được lập sau khi có sự thỏa thuận mua bán giữa hai bên.
- Mục tiêu chính xác cơ học: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phải được tính toán thống nhất giữa sổ chi tiết và sổ tổng hợp.
- Mục tiêu phân loại và trình bày: Các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, các khoản giảm trừ doanh thu phải được phân loại và trình bày đúng đắn.
Đó là những mục tiêu kiểm toán mà khi kiểm toán, Kiểm toán viên căn cứ vào đó để thực hiện công việc.