Công cụ pháp luật

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN ÔN THI TUYỂN SINH CAO HỌC MÔN THI: NGUYÊN LÝ QUẢN LÝ KINH TẾ (Trang 29 - 32)

30

Với tư cách là một công cụ quản lý kinh tế, pháp luật kinh tế bao gồm tổng thể những văn bản pháp luật trực tiếp liên quan đến sự tồn tại và vận hành nền kinh tế.

Pháp luật kinh tế là một bộ phận nằm trong hệ thống pháp luật nói chung. Nó bao gồm những quy tắc xử sự bắt buộc do Nhà nước đặt ra hay thừa nhận mà mỗi cá nhân, tổ chức kinh tế buộc phải tuân theo để hành vi ứng xử của họ phù hợp với những quan hệ kinh tế khách quan và lợi ích chung của xã hội. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật kinh tế bao gồm các quan hệ xã hội phát sinh trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và trong quá trình vận hành quản lý kinh tế. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia những quan hệ đó được Nhà nước quy định và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Như vậy, sự điều chỉnh của pháp luật kinh tế thể hiện ở quyền và nghĩa vụ mà các bên phải thực hiện trong các quan hệ kinh tế và quan hệ quản lý kinh tế. Nói cách khác, quản lý bằng pháp luật là việc xác định quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ thể tham gia vào hệ thống kinh tế quốc dân. Thông qua việc xác định quyền và nghĩa vụ cũng như việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy mà pháp luật tác động, chi phối các hành vi kinh tế của đối tượng bị quản lý cũng như chủ thể quản lý kinh tế. Rõ ràng ở đây pháp luật tồn tại như là một công cụ của quản lý kinh tế, quan hệ pháp luật kinh tế là một hình thức ghi nhận của các quan hệ quản lý.

Vai trò của công cụ pháp luật trong quản lý kinh tế được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, bằng việc xác lập cho thị trường một cơ sở pháp lý để hoạt động, pháp luật trực tiếp bảo vệ và hỗ trợ sự điều tiết của cơ chế thị trường nhằm hướng tới mục tiêu của quản lý kinh tế. Mặt khác, nhờ sự bảo vệ và hỗ trợ của pháp luật mà ý thức tôn trọng, tuân thủ các quan hệ kinh tế khách quan của các bên tham gia sẽ điều chỉnh những hành vi kinh tế của họ. Bởi vì, pháp luật kinh tế chính là sự tổ chức có tính nhà nước của những quan hệ kinh tế khách quan, đồng thời là điều kiện để thực hiện và phát triển các quan hệ ấy. Như vậy, tác động quản lý của pháp luật không chỉ là sự tác động, hỗ trợ bên ngoài đối với cơ chế thị trường mà còn là sự tác động từ bên trong để hình thành khả năng thực hiện sự quản lý có khoa học đối với nền kinh tế và hoạt động có ý thức của người lao động trong các lĩnh vực kinh tế. Tóm lại, pháp luật giữ vai trò như là nhân tố nội sinh điều tiết định hướng sự vận động của cơ chế thị trường.

Thứ hai, với tư cách là sự tổ chức có tính nhà nước của các quan hệ kinh tế khách quan dưới hình thức quyền và nghĩa vụ cơ bản, pháp luật xác lập được một trật tự và môi trường kinh doanh lành mạnh. Mục tiêu mà quản lý kinh tế trực tiếp hướng tới là duy trì trật tự cho các hoạt động kinh tế cũng như hoạt động của bộ máy quản lý kinh tế. Pháp luật kinh tế không chỉ là “hành lang” duy trì trật tự mà còn tạo ra chính trật tự ấy. Bởi vì, quyền và nghĩa vụ mà pháp luật xác định trong các quan hệ kinh tế luôn hàm chứa những yếu tố của một trật tự. Đó là sự phân cấp và thẩm quyền, điều kiện thực hiện, phạm vi, trình tự thực hiện, những điều được làm

31

và không được làm. Chẳng hạn, trật tự và môi trường kinh doanh có thể bị phá hoại bởi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh do không có luật bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, luật về quảng cáo và môi giới. Hay một thị trường thống nhất có thể bị phá hoại nếu như thẩm quyền quản lý của các cấp, các ngành không được pháp luật phân định. Như vậy, pháp luật kinh tế góp phần tích cực vào việc tạo môi trường thuân lợi cho các hoạt động kinh tế.

Thứ ba, thông qua việc ghi nhận quyền và nghĩa vụ cũng như việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy mà lợi ích chính đáng, quyền sở hữu của các chủ thể tham gia vào các quá trình kinh tế được thực hiện. Chẳng hạn, bằng việc ghi nhận, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng kinh tế, ghi nhận hình thức và thủ tục giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, trong phá sản doanh nghiệp mà lợi ích chính đáng của các chủ doanh nghiệp được tôn trọng và được giải quyết một cách có trật tự. Nói cách khác, pháp luật kinh tế bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế trong cơ chế thị trường.

Đặc điểm của công cụ pháp luật trong quản lý kinh tế.

- Quản lý bằng pháp luật là quản lý bằng sức mạnh của những quyền uy khách quan kết hợp với sức mạnh quyền uy của Nhà nước. Nội dung của pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh tế chính là những quan hệ, những lợi ích kinh tế khách quan được xã hội thừa nhận và bảo vệ dưới dạng ý chí của Nhà nước. Sự thừa nhận và bảo vệ đó được cụ thể hóa thành những chuẩn mực về quyền và nghĩa vụ để điều chỉnh hành vi của các tập thể người lao động, đảm bảo hành vi của họ phải phù hợp với những quan hệ và lợi ích kinh tế khách quan. Bởi vậy, sức mạnh, quyền uy của pháp luật hay khả năng điều chỉnh hành vi con người của pháp luật trước hết nằm ngay trong nội dung của pháp luật và phụ thuộc vào tính xác thực của nội dung đó. Nói cách khác, việc tuân thủ pháp luật, hành động theo pháp luật đó là do cái lẽ phải hiển nhiên của pháp luật chứ không phải vì sự cưỡng chế của Nhà nước. Cái uy quyền cưỡng chế của Nhà nước chủ yếu có ý nghĩa bảo vệ dưới dạng răn đe. Vì vậy, pháp chế kinh tế có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao hiệu lực quản lý của công cụ pháp luật.

- Quản lý bằng pháp luật chứa đựng tính phổ quát và công bằng. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật kinh tế là những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý sản xuất và trao đổi sản phẩm của con người. Nhưng không phải tất cả mà chỉ bao gồm những quan hệ kinh tế cơ bản nhất, quan trọng nhất. Mặt khác, việc điều chỉnh của pháp luật kinh tế là chung cho tất cả các đối tượng khi tham gia vào các quan hệ kinh tế chứ không phải cho từng đối tượng riêng lẻ. Vì vậy, những quy định của pháp luật có ý nghĩa phổ biến, bao quát tất cả các đối tượng tham gia và không có sự phân biệt. Trước pháp luật, mọi người đều có cơ hội ngang nhau và bình đẳng về cơ hội phát triển kinh tế.

- Tác động quản lý của pháp luật nói chung và của pháp luật kinh tế nói riêng là sự tác động điều chỉnh gián tiếp dưới hình thức đưa ra các giả định về điều kiện để quy định quyền và

32

nghĩa vụ cho các hoạt động kinh tế. Pháp luật kinh tế đưa ra các quy phạm được phép và không được phép của hoạt động kinh tế để đặt các chủ thể kinh tế vào sự tự lựa chọn, tự quyết định hành động trong khuôn khổ những điều kiện và phạm vi đã được xác định. Chẳng hạn, Luật Thương mại Việt Nam không bắt buộc cứ có vi phạm hợp đồng là phải có phạt vi phạm hợp đồng, mà chỉ đưa ra điều kiện phát sinh quyền đòi tiền phạt và phạm vi của mức phạt. Còn có phạt vi phạm hợp đồng hay không và mức phạt cụ thể bao nhiêu là do bên bị vi phạm quyết định và thỏa thuận với bên vi phạm.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN ÔN THI TUYỂN SINH CAO HỌC MÔN THI: NGUYÊN LÝ QUẢN LÝ KINH TẾ (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(54 trang)