Đặc điểm của lao động quản lý

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN ÔN THI TUYỂN SINH CAO HỌC MÔN THI: NGUYÊN LÝ QUẢN LÝ KINH TẾ (Trang 41 - 43)

Lao động quản lý có những đặc điểm cơ bản sau:

- Thứ nhất, lao động quản lý là một dạng lao động gián tiếp. Tức là nó phải thông qua hoạt động của người khác mới tạo ra sản phẩm. Dù mang tính gián tiếp, lao động quản lý vẫn nằm ngay trong cơ cấu phân công lao động của một tổ chức. Có thể nói, nếu không có lao động quản lý thì các dạng lao động trực tiếp, do chuyên môn hóa quá sâu, khó lòng tự động hợp nhất với nhau trong một quá trình duy nhất hướng tới mục tiêu. Thực chất lao động quản lý là chức năng của lao động tập thể được phân công riêng cho một nhóm người trong quá trình hoạt động

42

chung. Với ý nghĩa như thế, lao động quản lý là một trong những dạng lao động có ích nhất của xã hội.

- Thứ hai, lao động quản lý là một dạng lao động phức tạp. Tính phức tạp của lao động quản lý do tính tổng hợp của hoạt động quản lý quy định. Mặc dù hoạt động quản lý không phải là hoạt động chuyên môn của các tổ chức nhưng nó phải dựa trên các hoạt động: hoạch định, tổ chức đồng thời động viên và điều khiển mọi người tham gia hoạt động đó… Do vậy, khi thực thi hoạt động quản lý, một mặt cán bộ quản lý phải có tri thức toàn diện về nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, kinh tế, tâm lý… để có thể lao động một cách chủ động, có cơ sở khoa học, có hiệu quả. Mặt khác, cán bộ quản lý phải vận dụng các tri thức đó một cách nhuần nhuyễn để hình thành các kỹ năng, kỹ xảo, thói quen đến mức trở thành nghệ thuật quản lý.

- Thứ ba, lao động quản lý là lao động sáng tạo với sự vận động của thông tin và có tính đặc thù. Trong bất kỳ chức năng nào thì lao động quản lý cũng thể hiện về mặt công nghệ là quá trình ra quyết định và thực hiện các quyết định, tức là quá trình xử lý thông tin. Thông tin là đối tượng, là chất liệu, là đầu vào và đầu ra của lao động quản lý. Hơn nữa đối tượng quản lý và môi trường luôn luôn biến đổi, đòi hỏi quá trình xử lý thông tin phải thực hiện một cách sáng tạo để tìm ra các mục tiêu và mô hình hoạt động thích hợp cho tổ chức trong tương lai. Lao động của cán bộ quản lý không thể như lao động của người vận hành máy móc với một quy trình thao tác cố định. Lao động quản lý gắn với tính sáng tạo, tính linh hoạt, tính thích nghi cao của cán bộ quản lý. Trong nhiều khía cạnh, lao động quản lý đỏi hỏi cán bộ quản lý phải có tài năng. Song sáng tạo trong quản lý là sự sáng tạo của sự lựa chọn tối ưu, trong một khuôn khổ, điều kiện vật chất có sẵn. Tính đặc thù của lao động quản lý ở chỗ: sản phẩm của quá trình lao động đó là những quyết định quản lý.

- Thứ tư, lao động quản lý còn mang tính nghệ thuật. Đó là nghệ thuật quan hệ, ứng xử với con người, làm việc với con người, cộng đồng người. Đặc điểm của quản lý con người mang lại cho lao động quản lý một sắc thái tâm lý tinh thần đặc biệt ngoài tính khoa học, công nghệ. Con người vừa hoạt động với tư cách một yếu tố của quá trình vận động của tổ chức, vừa với tư cách là một cá thể độc lập có đời sống tinh thần và hệ thống nhu cầu riêng. Lãnh đạo con người không chỉ dừng ở chỗ tuyển chọn và sắp xếp họ vào vị trí lao động nào đó mà quan trọng hơn là động viên, kích thích họ làm việc sáng tạo cống hiến hết năng lực cá nhân cho việc thực hiện mục tiêu của tổ chức. Do vậy, lao động quản lý không chỉ dựa vào kiến thức khoa học mà còn cả đòi hỏi cả tình thương, sự hòa đồng, sự nhân văn, sự am hiểu và cảm thông với cấp dưới, tình cảm và văn hóa nhân loại… Chỉ khi nào người cán bộ quản lý trở thành người đáng tin cậy và có tính thuyết phục với cấp dưới thì khi đó mới gặt hái được thành công.

43

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN ÔN THI TUYỂN SINH CAO HỌC MÔN THI: NGUYÊN LÝ QUẢN LÝ KINH TẾ (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(54 trang)