Bản chất và vai trò của công cụ kế hoạch trong quản lý kinh tế.
Kế hoạch là một công cụ quản lý, bao gồm việc xác định phải làm gì và phải làm thế nào để phát triển kinh tế của một đơn vị kinh tế, một ngành, địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Chủ thể quản lý suy nghĩ về tương lai của tổ chức mình và dự kiến cách thức, phương án hành động để đạt được sự phát triển trong tương lai. Điều đó có nghĩa là, kế hoạch là một công cụ định hướng, tổ chức và điều khiển các hoạt động kinh tế.
Vai trò của công cụ kế hoạch trong quản lý kinh tế được thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, nhờ kế hoạch mà chủ thể quản lý và đối tượng quản lý biết được hướng đi và lựa chọn con đường thích hợp để nhanh chóng đạt tới mục tiêu. Nó tạo ra “cái khung” và xác lập một ngôn ngữ chung qua đó mọi tổ chức, mọi ngành, mọi thành phần kinh tế cũng như các thành viên trong các tổ chức kinh tế hành động tự giác, chủ động và thống nhất.
Thứ hai, công cụ kế hoạch góp phần hình thành tư duy “vượt trước”, giúp cho các nhà quản lý tiên đoán được sự thay đổi tình hình, từ đó chuẩn bị các phương án cần thiết để thích ứng với sự thay đổi đó. Kế hoạch không những tạo khả năng cho nhà quản lý thích nghi với sự biến đổi thường xuyên của nhu cầu thị trường mà còn chủ động tạo ra những biến đổi cần thiết của nhu cầu ấy.
Thứ ba, hoạt động kế hoạch cho phép các nhà quản lý hình dung và mô tả sự phát triển của doanh nghiệp qua các thời kỳ. Từ đó, hình thành các phương án kinh doanh, trên cơ sở dự kiến những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải và những thời cơ thuận lợi mà doanh nghiệp cần tận dụng. Trên thực tế đã có những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến công việc trước mắt mà thiếu nhìn xa trông rộng, nghĩa là thiếu sự chuẩn bị trước những lĩnh vực kinh doanh cần vươn tới cũng như những thị trường cần chiếm lĩnh. Kết quả là, doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, chỉ kinh doanh theo lối thương vụ, lấy ngắn nuôi dài, dẫn đến sự thua lỗ hoặc phá sản.
Ngoài ra, kế hoạch không chỉ là một công cụ quản lý mà còn là căn cứ để tổ chức bộ máy quản lý, kiểm tra và đánh giá hiệu quả của các hoạt động quản lý kinh tế.
33
Tuy nhiên, bản thân công cụ kế hoạch cũng có tính hai mặt. Nếu kế hoạch không chính xác, thiếu cơ sở khoa học sẽ gây hậu quả xấu cho sự phát triển của một nền kinh tế cũng như đối với một doanh nghiệp. Đặc biệt là khi các yếu tố ngẫu nhiên, yếu tố khách quan tác động làm đảo lộn mọi dự kiến ban đầu thì hậu quả đó càng trở nên nghiêm trọng. Mặt khác, trong một số trường hợp, các chương trình mục tiêu, các phương án hành động dễ gây ra “đường mòn” trong suy nghĩ và hành động của chủ thể quản lý. Từ đó, hạn chế tính năng động, linh hoạt và mềm dẻo trong các hoạt động kinh tế, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay.
Những yêu cầu cơ bản đối với công cụ kế hoạch trong cơ chế thị trường. Xuất phát từ tính chất của bản thân công tác kế hoạch và sự đòi hỏi của cơ chế thị trường, công cụ kế hoạch trong quản lý kinh tế cần đáp ứng các yêu cầu chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, bảo đảm tính khoa học của các kế hoạch. Kế hoạch nói chung và kế hoạch phát triển kinh tế nói riêng thể hiện ý đồ của chủ thể quản lý. Việc thực hiện kế hoạch được giao lại mang tính chất pháp lệnh. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý của công cụ kế hoạch không phải do tính pháp lệnh của kế hoạch mà do tính sát thực, tính hợp lý của nó quyết định. Bởi vậy, khi xây dựng kế hoạch phải quan tâm đến việc nghiên cứu và vận dụng các nguyên lý lý luận về kế hoạch hóa vào điều kiện cụ thể của đất nước, phân tích thực trạng nền kinh tế cũng như các tiềm năng về tài nguyên, lao động, tiền vốn, kỹ thuật và công nghệ có thể huy động được; tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Nghĩa là, phải kết hợp các yếu tố lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch.
Thứ hai, gắn kế hoạch với thị trường. Như trên đã đề cập, kế hoạch là những quyết định cho tương lai, là sự lựa chọn có tính khả thi mà không phải đã là sự lựa chọn tốt nhất. Nếu tuyệt đối hóa kế hoạch dễ gây ra “đường mòn” trong suy nghĩ và hành động của chủ thể quản lý, dẫn tới hạn chế tính sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo trong các hoạt động điều hành quản lý. Song, điều phi lý không phải là quản lý bằng kế hoạch mà là tuyệt đối hóa kế hoạch. Để hạn chế sự phi lý đó thì cách tốt nhất là phải gắn kế hoạch với thị trường, coi thị trường vừa là đối tượng vừa là căn cứ của kế hoạch.
Thứ ba, chuyển từ kế hoạch pháp lệnh sang kế hoạch hướng dẫn là chủ yếu. Nội dung kế hoạch luôn bao hàm những yếu tố khống chế, đó là sự khống chế về mục tiêu, quy mô, tiến độ, định mức… Trong khi đó, nền kinh tế thị trường luôn luôn chịu sự tác động của môi trường bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong. Bởi vậy, kế hoạch chỉ nên bao gồm những khống chế cần thiết đủ định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế. Hoặc kế hoạch chỉ đề cập đến những vấn đề đang được đặt ra cần phải tháo gỡ để phát triển kinh tế, thí dụ vấn đề thị trường, tiền vốn, tiến bộ khoa học và công nghệ… Mặt khác, ngoài những yếu tố khống chế, kế hoạch cần bao gồm những yếu tố mở cần thiết nhằm khuyến khích tính năng động của người thực hiện và hạn chế những hậu quả xấu có thể xảy ra do các yếu tố khống chế của kế hoạch mang lại.
34
Thứ tư, coi trọng các hoạt động tiền kế hoạch. Để cho nội dung kế hoạch bảo đảm tính sát thực của nó, chủ thể quản lý phải quan tâm thích đáng đến công tác tiền kế hoạch. Đó là quá trình nghiên cứu, thăm dò để đưa ra các dự báo về tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác được, thông tin về thị trường trong và ngoài nước, thông tin về sự phát triển của khoa học và công nghệ ở trong nước và trên thế giới.
Ngoài ra, cơ chế thị trường còn đòi hỏi phải phân định chức năng kế hoạch của Nhà nước và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ máy hoạt động kế hoạch các cấp phải được xây dựng theo hướng tinh giản, linh hoạt và hiệu quả cao. Đặc biệt, kế hoạch vĩ mô phải bao quát hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế.