Nhận định về xu thế phát triển năng lượng thế giới

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 (Trang 65 - 66)

I. PHÂN TÍCH NGÀNH NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI VÀ KHU VỰC

1. Phân tích, dự báo thị trường năng lượng thế giới

1.1. Nhận định về xu thế phát triển năng lượng thế giới

Ngành công nghiệp năng lượng trong vòng 20 năm qua đã có những thay đổi đáng kể. Những đánh giá về tài nguyên gần nhất chỉ ra rằng nguồn tài nguyên năng lượng toàn cầu đã tăng hơn trước đây do các công nghệ mới và hiệu quả hơn. Sự phát triển gần đây của khí đá phiến ở Hoa Kỳ đã minh họa rõ ràng vai trò của công nghệ. Nguồn tài nguyên khí đá phiến vẫn luôn tồn tại nhưng chỉ khi công nghệ tách vỡ thủy lực được giới thiệu với một chi phí hợp lý, cách mạng thị trường khí mới trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, bức tranh năng lượng không chỉ có những mảng sáng, vẫn còn đó những hiểm nguy đe dọa đến cung cấp năng lượng toàn cầu. Những bất ổn chính trị ở khu vực Trung Đông và sự tồn tại của Nhà nước Hồi giáo (IS), nơi cung cấp phần lớn nguồn dầu với chi phí thấp, đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ những cú sốc dầu mỏ ở những năm 1970. Xung đột giữa Nga và Ucraina cũng làm dấy lên những lo ngại về an ninh cung cấp khí cho châu Âu. Trong khi đó, hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi không thể tiếp cận những nguồn năng lượng thương mại sạch và hiện đại. Nhiên liệu hóa thạch cũng là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu và khí thải ở các thành phố lớn. Việc tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các quốc gia để đạt được những ràng buộc mang tính pháp lý cho các thỏa thuận về biến đổi khí hậu cũng đang lên đến đỉnh điểm trong năm 2015. Đó là những thách thức mang tính toàn cầu cho việc cung cấp và sử dụng năng lượng truyền thống. Những nhận định chính về đảm bảo an ninh năng lượng đối với ba loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống được phác họa bởi IEA trong tương lai là (IEA, 2014 c):

- Tình trạng dồi dào nguồn cung dầu trong ngắn hạn không thể che mờ được những thách thức về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào một số nhỏ những nhà sản xuất dầu.

- Nhu cầu cho khí tự nhiên tăng nhanh nhất trong các loại nhiên liệu hóa thạch và thương mại toàn cầu LNG linh hoạt ngày càng tăng sẽ góp phần bảo vệ những rủi ro gián đoạn cung cấp.

- Than có trữ lượng dồi dào và ổn định cung cấp, tuy nhiên, sử dụng than trong tương lại bị ràng buộc bởi những biện pháp giảm khí thải và phát thải CO2.

Rõ ràng với những thuận lợi và hạn chế riêng, các dạng nhiên liệu truyền thống sẽ có một xu thế phát triển tùy thuộc vào quan điểm nhu cầu của mỗi một quốc gia. Đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng là yếu tố tối quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia khi tính đến thời gian chuyển giao dài của hệ thống năng lượng. Xu hướng công nghệ, diễn biến địa chính trị, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thỏa thuận về biến đổi khí hậu sẽ có những tác động lên xu thế tiêu dùng năng lượng toàn cầu. Những đặc điểm của xu thế phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới có thể được tổng kết như sau:

- Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu, xu hướng tham gia của các nguồn năng lượng cơ bản sẽ tiếp tục: giảm tỷ lệ dầu và than, tăng tỷ lệ khí và năng lượng phi carbon. Tỷ lệ năng lượng điện sẽ tăng trong tiêu thụ đầu cuối;

- Sự chậm lại tăng trưởng của nhu cầu dầu toàn cầu sau năm 2025 được dự báo với nhu cầu cao nhất có thể đến trước những năm 2030. Nhu cầu về các sản phẩm dầu khí sẽ được hình thành dưới ảnh hưởng của tăng trưởng tiêu dùng trong lĩnh vực giao thông trong khi giảm nhu cầu trong nước, thương mại và ngành điện;

- Sự tăng trưởng nhu cầu khí này được hình thành với là sự gia tăng tiêu thụ điện, cũng như các yếu tố về chính sách khí hậu và an toàn môi trường; trong trung hạn, việc hình thành thị trường khí thế giới (toàn cầu) sẽ dẫn đến việc tiếp cận giá khí ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Việc phát triển sản xuất và cung ứng LNG sẽ đóng một vai trò quan trọng để hình thành thị trường khí toàn cầu (toàn cầu);

- Than trong những năm tới vẫn sẽ là một trong những nguồn năng lượng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi. Nhu cầu tiêu thụ than sẽ giảm mạnh tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế;

- Với sự gia tăng tỷ trọng điện trong tiêu thụ năng lượng cuối cùng, sản xuất điện sẽ tăng nhanh để đáp ứng với mức tăng trưởng cao của khí tự nhiên và năng lượng tái tạo.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THUYẾT MINH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 (Trang 65 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w