1.1. Ban thường vụ đảng ủy và dấu hiệu vi phạm của ban thường vụ đảng ủy vụ đảng ủy
1.1.1. Ban thường vụ đảng ủy
Ban thường vụ đảng ủy là cơ quan do ban chấp hành đảng bộ bầu ra trong số các thành viên của ban chấp hành đảng bộ, đảm bảo theo số lượng thành viên đã được quy định, để thực hiện vai trò, chức năng lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công tác thường xuyên, hằng ngày của cấp ủy cùng cấp, giữa hai kỳ họp của ban chấp hành hành đảng bộ.
BTVĐU có những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản như sau:
+ Quyết định triệu tập hội nghị cấp ủy cấp mình; chỉ đạo chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc, báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận trình hội nghị cấp ủy về những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp ủy; đề xuất những vấn đề lớn, quan trọng của địa phương, đơn vị để trình cấp ủy xem xét, quyết định; quyết định chương trình, kế hoạch công tác của ban thường vụ cấp ủy.
+ Lãnh đạo và thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp mình và của cấp ủy cấp trên; thí điểm thực hiện mô hình mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thí điểm thực hiện.
+ Lãnh đạo cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác tổ chức, cán bộ.
+ Đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, BTVĐU ban hành các nghị quyết hoặc kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo.
+ Định hướng đối với hoạt động các công tác nội chính, điều tra, kiểm sát, tòa án, tư pháp, hoạt động cải cách tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp theo quy định.
- Lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của đảng bộ đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Tham gia ý kiến vào việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là những vấn đề có liên quan đến địa phương, đơn vị.
+ Quyết định những vấn đề quan trọng khác mà các cấp ủy, tổ chức đảng cấp trực thuộc đề nghị; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác do Trung ương hoặc cấp ủy cấp mình giao thực hiện.
+ Ủy quyền thực hiện một số công việc cụ thể thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của ban thường vụ cho thường trực cấp ủy cấp mình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện những nội dung đã ủy quyền (ĐCSVN, 2016).