1.1.3.1. Vai trò của FDI với nước đầu tư
Thứ nhất, FDI có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với nước đầu tư. Chúng ta biết rằng lợi nhuận là mục tiêu cao nhất của nhà đầu tư. Lợi nhuận đó sẽ được chuyển một phần về chính quốc đóng góp vào mức tăng thu nhập cho nền kinh tế của nước chủ đầu tư. Để thu được lợi nhuận thì bằng mọi cách nhà đầu tư sẽ tận dụng để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của đồng vốn bỏ ra.
Thứ hai, FDI có vai trò khai thác lợi thế về vốn đối với nước đầu tư. Trong quá trình phát triển, việc tích lũy tư bản đến một mức nhất định thì các nhà đầu tư sẽ tìm thị trường để mở rộng đầu tư phát triển. Để tăng lợi nhuận thông qua các lợi thế như: giá nhân công rẻ, nguồn tài nguyên phong phú... thì xuất khẩu tư bản là một phương thức làm cho đồng vốn sinh lời hiệu quả nhất.
Thứ ba, FDI có vai trò kéo dài chu kỳ của công nghệ và sản phẩm của nước đầu tư. Bất kỳ một sản phẩm và công nghệ nào cũng có tính chu kỳ. Việc tiêu thụ sản phẩm được coi là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Đây là lý do các nhà tư bản sẽ tìm cách tiêu thụ không những ở thị trường trong nước mà còn nhắm vào thị trường rộng lớn bên ngoài. Và chính nhờ hoạt động FDI mà các nước đầu tư phát huy được công nghệ, kéo dài tuổi thọ công nghệ và sản phẩm của mình.
Thứ tư, FDI giúp cho các nhà đầu tư bành trướng về sức mạnh kinh tế. Thông qua FDI, nhà đầu tư nước ngoài tăng cường vai trò ảnh hưởng của mình trên thị trường quốc tế nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tránh hàng rào bảo hộ
mậu dịch của nước nhận đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn giảm được chi phí vận chuyển, khối lượng vận chuyển do xuất khẩu dây chuyền công nghệ thay bởi xuất khẩu sản phẩm, giảm khoảng cách vận chuyển khi tái sản xuất sản phẩm sang các nước lân cận với nước nhận đầu tư.
Thứ năm, FDI giúp giải quyết những khó khăn của nhà đầu tư. Các nước đầu tư sang nhau không chỉ đơn thuần là cạnh tranh, mà nhiều trường hợp giữa các nhà đầu tư lớn hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua FDI để giải quyết những vấn đề khó khăn về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiêu thụ sản phẩm và cả những vấn đề về kinh tế, chính trị.
1.1.3.2. Vai trò của FDI đối với nước nhận đầu tư
Thứ nhất, FDI giúp nước nhận đầu tư tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Nguồn lực đầu tư cho sản xuất bao gồm: vốn, công nghệ, đất đai và lao động. Một nền kinh tế sẽ cần nhiều nguồn lực hơn nếu muốn tăng trưởng nhanh hơn nữa. Nếu nguồn lực trong nước không đủ thì vốn FDI thực sự cần thiết nhằm làm tăng lượng vốn, công nghệ cho nhà đầu tư sản xuất của nước nhận đầu tư. Các nước đang phát triển là những nước còn thiếu nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nguồn vốn và công nghệ. Do đó, FDI là thực sự cần thiết đối với các nước này.
Thứ hai, FDI giúp nước nhận đầu tư tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý. Thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia sẽ giúp một nước có cơ hội tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã tích lũy qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn. Tuy nhiên, việc phổ biến công nghệ và bí quyết quản lý còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tiếp thu của nước nhận đầu tư.
Thứ ba, FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước nhận đầu tư. Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều lĩnh vực mới đã được hình thành ở nước tiếp nhận đầu tư. Nhờ đó FDI đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần làm phát triển nhanh trình độ kỹ thuật công nghệ ở nhiều thành phần kinh tế, làm tăng năng suất lao động ở các ngành và tỷ trọng của nó trong nền kinh tế.
Thứ tư, FDI giúp nước nhận đầu tư giải quyết công ăn việc làm và đào tạo nhân công. Một trong những mục đích của các nhà đầu tư nước ngoài là khai thác các điều kiện để đạt được chi phí sản xuất thấp nên họ sẽ thuê mướn nhiều lao động địa phương. Từ đó, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI sẽ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình thuê mướn, điều này tạo ra một đội ngũ lao động có kỹ năng cho nước tiếp nhận đầu tư. Do vậy, nhờ vào đầu tư trực tiếp nước ngoài mà các quốc gia có thể phát triển mạnh hơn trình độ chuyên môn cho người lao động.
Thứ năm, FDI có vai trò tạo nguồn thu ngân sách lớn cho nước nhận đầu tư. Nguồn thu này có được từ thuế do các xí nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nộp.
1.2. Nội dung thu hút đầu tư