Hoạt động xúc tiến đầu tư

Một phần của tài liệu THU HÚT FDI VÀO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO (Trang 47 - 52)

Vốn đầu tư FDI không tự nhiên đến với quốc gia nào. Trong bối cảnh các quốc gia đều thực hiện tự do hoá đầu tư, các công ty đa quốc gia chỉ bị hấp dẫn bởi nơi nào có điều kiện phù hợp nhất. Bởi vậy sự cạnh tranh giữa các quốc gia để thu hút nguồn vốn FDI ngày càng gay gắt, nhất là trong điều kiện đầu tư quốc tế có xu hướng suy giảm trong những năm sắp tới.

Cũng vì lẽ đó, thay vì đưa ra các quy tắc, luật lệ đối với các nhà đầu tư, các quốc gia giờ đây lại tìm đến giải pháp xúc tiến để thu hút họ. Trọng tâm của giải pháp này là khái niệm xúc tiến đầu tư và các kĩ thuật xúc tiến đầu tư cũng như việc đề ra các chiến lược phù hợp với các yêu cầu và điều kiện đầu tư. Vai trò ngày càng quan trọng của vốn FDI đã khiến hoạt động xúc tiến đầu tư trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết, không chỉ đối với các nước phát triển mà đối với cả các nước đang phát triển.

Hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng trở nên phức tạp, nó không chỉ đơn thuần là mở cửa thị trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tiến hành vận động chung chung. Không có một cách định nghĩa nhất quán cho khái niệm xúc tiến đầu tư, song theo nghĩa hẹp, xúc tiến đầu tư được coi là một loạt các biện pháp nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua một chiến lược marketing hỗn hợp bao gồm chiến lược sản phẩm (Product strategy), chiến lược giá cả (Pricing strategy) và chiến lược xúc tiến (Promotional strategy).

Chiến lược sản phẩm: Sản phẩm, theo khái niệm xúc tiến đầu tư, được hiểu là chính quốc gia tiến hành xúc tiến đầu tư, xây dựng chiến lược sản phẩm là việc quốc gia đó xây dựng chiến lược marketing phù hợp. Để làm được điều này, họ cần phải nắm được những lợi thế cũng như bất lợi nội tại của nước mình trong mối tương quan đến các đối thủ cạnh tranh.

Chiến lược giá cả: Giá cả ở đây chính là giá cả xây dựng và hoạt động của nhà đầu tư ở nước tiếp nhận, bao gồm giá sử dụng cơ sở hạ tầng, chi phí cố đinh, thuế ưu đãi, thuế bảo hộ…

Chiến lược xúc tiến: bao gồm các hoạt động nhằm phổ biến thông tin hoặc tạo dựng hình ảnh của quốc gia đó và cung cấp các dịch vụ đầu tư cho những nhà đầu tư có triển vọng.

1.2.2. Xác định mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

- Bổ sung cho nguồn vốn trong nước

Trong các lý luận về tăng trưởng kinh tế, nhân tố vốn luôn được đề cập. Khi một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh hơn, nó cần nhiều vốn hơn nữa. Nếu vốn trong nước không đủ, nền kinh tế này sẽ muốn có cả vốn từ nước ngoài, trong đó có vốn FDI.

- Tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý

Trong một số trường hợp, vốn cho tăng trưởng dù thiếu vẫn có thể huy động được phần nào bằng "chính sách thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, công nghệ và bí quyết quản lý thì không thể có được bằng chính sách đó. Thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia sẽ giúp một nước có cơ hội tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã tích luỹ và phát triển qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn. Tuy nhiên, việc phổ biến các công nghệ và bí quyết quản lý đó ra cả nước thu hút đầu tư còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tiếp thu của đất nước.

- Tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu

Khi thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia, không chỉ xí nghiệp có vốn đầu tư của công ty đa quốc gia, mà ngay cả các xí nghiệp khác trong nước có quan hệ làm ăn với xí nghiệp đó cũng sẽ tham gia quá trình phân công lao động khu vực.

Chính vì vậy, nước thu hút đầu tư sẽ có cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu thuận lợi cho đẩy mạnh xuất khẩu.

- Tăng số lượng việc làm và đào tạo nhân công

Vì một trong những mục đích của FDI là khai thác các điều kiện để đạt được chi phí sản xuất thấp, nên xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thuê mướn nhiều lao động địa phương. Thu nhập của một bộ phận dân cư địa phương được cải thiện sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Trong quá trình thuê mướn đó, đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, mà trong nhiều trường hợp là mới mẻ và tiến bộ ở các nước đang phát triển thu hút FDI, sẽ được xí nghiệp cung cấp. Điều này tạo ra một đội ngũ lao động có kỹ năng cho nước thu hút FDI. Không chỉ có lao động thông thường, mà cả các nhà chuyên môn địa phương cũng có cơ hội làm việc và được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Nguồn thu ngân sách lớn

Đối với nhiều nước đang phát triển, hoặc đối với nhiều địa phương, thuế do các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp là nguồn thu ngân sách quan trọng.

- Đầu tư phương tiện hoạt động

Đầu tư phương tiện hoạt động là hình thức FDI trong đó công ty mẹ đầu tư mua sắm và thiết lập các phương tiện kinh doanh mới ở nước nhận đầu tư. Hình thức này làm tăng khối lượng đầu tư vào.

1.2.3. Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý

Hệ thống pháp lý của nước sở tại bao gồm các luật liên quan đến hoạt động đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... và các văn bản hướng dẫn luật, các quy định về hoạt động đầu tư với người nước ngoài, các văn bản về quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư... đây chính là hành lang pháp lý đảm bảo sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống pháp luật được xây dựng theo hướng thông thoáng, đầy đủ chặt chẽ là cơ sở tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Hoạt động FDI liên quan đến nhiều chủ thể tham gia và có yếu tố nước ngoài vì vậy các văn bản ngoài yếu tố đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo gây khó hiểu, còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vào

một nước nào đó thì họ sẽ quan tâm cá nhân họ khi đầu tư được bảo vệ như thế nào, tài sản của họ có được đảm bảo không, các quy định chuyển phần lợi nhuận về nước họ ra làm sao, đây cũng chính là nhân tố ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác hệ thống pháp luật không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn có chức năng ngăn cản tác động tiêu cực mà các nhà đầu tư cố tình vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

1.2.4. Xây dựng và hoàn thiện môi trường kinh tế

- Nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế

Để tăng cường hoạt động đầu tư, ngoài môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch đòi hỏi các nước phải có kết cấu hạ tầng, tương xứng với sự chuyển đổi nền kinh tế. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng của một quốc gia luôn là điều kiện vật chất hàng đầu để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng thông qua các quyết định và triển khai các dự án đầu tư đã cam kết. Hệ thống hạ tầng phát triển bao gồm hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, điện nước… Để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình đầu tư.

- Chuẩn bị nguồn nhân lực để hấp thụ nguồn đầu tư nước ngoài.

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại và phát triển hay không phụ thuộc rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, muốn trở thành những doanh nghiệp hàng đầu có khả năng chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, vấn đề quan trọng hàng đầu là các doanh nghiệp đó phải có nhiều lao động giỏi và quản lý giỏi. Thực tế chứng minh rằng, chất lượng nguồn nhân lực có tác động rất mạnh đến khả năng thu hút FDI của các nước, kể cả những nước nghèo. Việc thiếu lao động kỹ thuật lành nghề, các nhà quản lý cao cấp và sự lạc hậu về trình độ khoa học - công nghệ trong nước sẽ khó đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư để triển khai các dự án của họ, làm chậm và thu hẹp lại dòng vốn FDI chảy vào trong nước. Thông thường, một quốc gia có năng lực hấp thu

vốn FDI cao và nguồn nhân lực có chất lượng tốt thì dòng FDI đổ vào quốc gia đó càng nhiều và khai thác có hiệu quả.

- Tạo môi trường kinh doanh

- Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo phân công, phân nhiệm rõ trách nhiệm, quyền hạn và thẩm quyền đối với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương có liên quan trong quản lý và thẩm duyệt cam kết và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện quy trình quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án sau khi được cam kết và cấp giấy phép đầu tư cũng như tập trung tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả cao. Kiên quyết giải thể các dự án không có khả năng triển khai nhằm thu hồi đất cho các dự án mới, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án chuyển giao công nghệ.

- Tạo môi trường quốc tế thuận lợi

Môi trường kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng thu hút FDI của một quốc gia. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính - tiền tệ, khủng hoảng chính trị, xã hội; dịch bệnh... đều như một tác động đa phương diện và theo nhiều cơ chế khác nhau tới thu hút FDI của một quốc gia. Sự tác động đó có mặt khuyến khích, có mặt lại hạn chế luồng vốn FDI vào quốc gia tiếp nhận. Sự tác động có thể gián tiếp thông qua sự tác động tới FDI khu vực hoặc thông qua sự tác động tới các lĩnh vực có liên quan khác của nền kinh tế như lĩnh vực thương mại, lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Cuộc khủng hoảng cũng có tác động rất khác nhau tới môi trường đầu tư, tác động tới đầu vào và đầu ra của mỗi dự án FDI. Ngược lại khi nền kinh tế thế giới hoặc khu vực tiếp tục tăng trưởng cao, tạo cơ hội tốt cho các nước thu hút FDI.

1.2.5. Thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Đề thu hút FDI phải chú trọng tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua các hoạt động xúc tiến, các địa phương sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài những hình ảnh, lợi thế, ưu đãi. Từ đó làm

cơ sở cho nhà đầu tư lựa chọn đầu tư. Hình thức, công cụ và phương thức xúc tiến đầu tư thích hợp là nhân tố quan trọng trong hoạt động thu hút vốn FDI. Thực tế cho thấy những nước làm tốt hoạt động này sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Để hoạt động xúc tiến thu hút FDI được tốt, phải tiến hành xây dựng, cập nhật tài liệu và sử dụng công cụ quảng bá phù hợp như đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng thông tin điện tử, tiến hành tổ chức các hội nghị trong và ngoài nước, trực tiếp gặp gỡ thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư, thành lập các cơ quan chuyên trách hoạt động xúc tiến đầu tư để đưa ra các chính sách xúc tiến phù hợp với chiến lược của từng nước trong từng giai đoạn và sử dụng các công cụ, phương pháp xúc tiến đúng và đến được nhà đầu tư nước ngoài cần thu hút.

Một phần của tài liệu THU HÚT FDI VÀO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w