8. Cấu trúc đề tài
1.3.1. Cơ sở lí luận và thực tiễn
- Cơ sở triết học
Phương pháp dạy học PH&GQVĐ là một phương pháp dạy học mà ở đó người giáo viên tạo ra cho HS những tình huống có vấn đề (những mâu thuẫn) và HS sẽ chủ động tích cực suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Như vậy phương pháp này đã vận dụng một khái niệm về mâu thuẫn làm cơ sở khoa học cho mình.
Cụ thể, theo triết học duy vật biện chứng, mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực thúc đẩy quá trình phát triển của mọi sự vật và hiện tượng. Trong quá trình học tập của HS luôn luôn xuất hiện những mâu thuẫn giữa tri thức và kinh nghiệm sẵn có của bản thân với yêu cầu nhiệm vụ nhận thức để giải quyết những nhiệm vụ nhận thức vừa mới đặt ra. Sự tích cực hoạt động tư duy của HS là một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của bản thân người học. Do đó người thầy cần phải bồi dưỡng và phát huy cao độ năng lực tư duy tích cực của trò trong quá trình dạy học nhằm phát hiện và giải quyết những vấn đề, giải quyết những mâu thuẫn mà người thầy chủ động tạo ra.
- Cơ sở tâm lí học
Theo các nhà tâm lí học thì con người chỉ bắt đầu tư duy tích cực khi nảy sinh nhu cầu tư duy, nghĩa là tư duy của con người nảy sinh, phát triển để đạt được kết quả cao nhất ở nơi xuất hiện vấn đề cần khắc phục, giải quyết. Như vậy ta thấy phương pháp dạy học PH&GQVĐ dựa trên cơ sở lí luận của tâm lí học về quá trình tư duy và về đặc điểm tâm lí học lứa tuổi.
Quá trình dạy học PH&GQVĐ là quá trình mà thầy đưa trò đến một trở ngại nào đó mà trở ngại này gây ra sự ngạc nhiên, hứng thú, có nhu cầu khám phá và chờ đợi kết quả. Nếu tích cực hoạt động tư duy thì sẽ vượt qua. HS có thể suy nghĩ độc lập hoặc dưới sự dẫn dắt của người GV để đi đến kết quả. Và kết quả của việc nghiên cứu, suy nghĩ trên đó là tri thức mới, nhận thức mới hoặc phương thức hành động mới. Do đó mà ta thấy rõ ràng tình huống có vấn đề xuất hiện và được giải quyết thông qua hoạt động tích cực của người học.
Quá trình nhận thức luôn thực hiện nhờ tư duy mà tư duy về bản chất lại là sự nhận thức dẫn đến PH&GQVĐ, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi người. Vì vậy ở đâu có vấn đề thì ở đó có tư duy.
Theo tâm lí học kiến tạo, học tập chủ yếu là một quá trình trong đó người học xây dựng tri thức cho mình bằng cách liên hệ những nhiệm nhận thức mới với những tri thức đã có. Dạy học PH&GQVĐ phù hợp với quan điểm này.
- Cơ sở giáo dục học
Theo điều 5 luật Giáo Dục năm 2005 đã ghi rõ: “Phương pháp dạy học phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo cho người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng tự thực hành, lòng say mê học và ý trí vươn lên”. Ở đây phương pháp dạy học PH&GQVĐ khêu gợi được hoạt động học tập mà chủ thể được hướng đích, gợi động cơ trong quá trình PH&GQVĐ do đó mà nó phù hợp với phương pháp giáo dục ở nước ta. Kiểu dạy học này giúp HS vừa nắm được kiến thức mới, vừa nắm được phương pháp đi tới kiến thức đó, lại vừa phát triển tư duy tích cực, độc lập, sáng tạo và có tiềm năng vận dụng tri thức vào những tình huống mới, chuẩn bị năng lực thích ứng với đời sống xã hội, phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lí các vấn đề nảy sinh cả trong học tập và trong cuộc sống. Đồng thời nó cũng bồi dưỡng các đức tính cần thiết của con người lao động sáng tạo như tính chủ động, tích cực, cẩn thận, kiên trì, vượt khó làm việc có kế hoạch…