Khái niệm hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp một ở các trường mầm non huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 25 - 35)

9. Cấu trúc luận văn

1.2. Hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

1.2.1. Khái niệm hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

Theo từ điển Tiếng Việt: “Chuẩn bị là khái niệm dùng để chỉ việc làm của chủ thể nào đó nhằm làm cho có sẵn cái cần thiết để thực hiện một việc gì đó” [39, tr.147].

Theo đó, những yêu cầu ở lớp Một khi phải thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi cách học và các mối quan hệ là “bước ngoặt” trong đời sống của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Vì vậy, ngay từ khi còn ở mẫu giáo hoặc ở nhà người lớn cần dạy cho trẻ dần quen với cách học mới và các yêu cầu của học sinh lớp Một, tạo cho trẻ một tâm thế thoải mái, hình thành tính tự lập, tự tin là một điều kiện giúp trẻ nhanh chóng tiếp nhận, hoà đồng vào mối quan hệ mới trong trường phổ thông, tức là chuẩn bị sẵn cho trẻ những yếu tố cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu ở bậc học cao hơn.

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều quan niệm khác nhau xung quanh vấn đề này. Có quan niệm cho rằng “không cần chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một, trẻ đủ 6 tuổi là có thể đi học lớp Một” [18, tr.4]. Chính vì vậy, từ lâu nhà trường truyền thống ít quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá đầu vào của trẻ em đầu tuổi học. Tất thảy trẻ em 6 tuổi đều bình đẳng cắp sách tới trường, không cần biết tuổi khôn và sức khoẻ có đáp ứng yêu cầu hay không. Quan niệm này thường tồn tại ở những vùng nông thôn, hoặc vùng có trình độ dân trí thấp, ít quan tâm đến việc chuẩn bị về mặt trí tuệ, tinh thần, tâm lý và các kỹ năng cần thiết cho trẻ vào lớp Một. Do vậy, tuổi MN của trẻ chủ yếu sống trong gia đình, xóm giềng,

ít được giáo dục, rèn luyện một cách hệ thống những điều cần thiết cho học tập, phát triển sau này. Ngược lại, có quan niệm lại cho rằng “cần phải cho trẻ học trước chương trình lớp Một, cụ thể là chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đọc thông viết thạo và làm thành thạo hai phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10, 20 và nếu 100 thì càng tốt” [18, tr.4]. Quan niệm này khá phổ biến ở các thành phố, thị xã lớn nơi có trình độ dân trí tương đối cao. Do đó, rất nhiều bậc phụ huynh đã buộc trẻ ngồi vào bàn hàng giờ học một cách nghiêm chỉnh, tước đi mọi thời gian vui chơi, hoạt động nhiều mặt mà các cháu vốn ham thích rất cần cho sự phát triển sau này của trẻ. Những người có quan niệm này đã lượng đón và làm trước phần việc cho trường tiểu học. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh rằng trẻ dưới 6 tuổi chưa đủ khả năng để học chữ, học tính theo đúng ý nghĩa của môn học. Thực tế, một số trẻ được học trước chương trình lớp Một, vào lớp Một thời gian đầu có thể hơn những trẻ khác nhưng thời gian sau trình độ trong lớp ngang nhau, thậm chí một số trẻ sức học còn yếu hơn trẻ mới học do chủ quan, chểnh mảng. Thậm chí, trẻ được học trước chương trình rất khó sửa được các cố tật như các trẻ khác cùng trang lứa. Vì vậy, việc chuẩn bị cho trẻ đến trường phổ thông không thể là việc làm thay cho việc dạy dỗ ở bậc tiểu học. Không nên dạy trẻ trước những gì mà sau này nó sẽ phải học tập một cách quy củ, nghiêm túc ở trường phổ thông, không nên yêu cầu trẻ như một học sinh thực thụ ngay khi còn ở tuổi mẫu giáo mà phải đảm bảo cho trẻ được sống đúng với lứa tuổi của mình. Và lẽ dĩ nhiên, quan niệm chuẩn bị cho trẻ trước khi vào lớp Một như trên cũng không còn mấy ý nghĩa.

Một số nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục MN trong và ngoài nước lại cho rằng khi nào thể lực, trí tuệ và tâm lí của trẻ phát triển đủ để học tập thì cho trẻ vào lớp Một. Những người theo quan điểm này cho rằng cần phải chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một một cách toàn diện cả về thể lực, trí tuệ, tâm lí, tâm thế, thẩm mỹ và các KNS cần thiết chứ không dạy trẻ học chữ và làm toán. Những người theo quan niệm này cho rằng việc dạy trẻ học chữ và làm toán là nội dung học của lớp Một. Ở các nước phương Tây người ta quan tâm đến việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một, nhưng không nhấn mạnh vào việc học các kỹ năng đọc, viết cũng như tính toán. Các nhà giáo dục ở các nước này cho rằng cần phải quan tâm đến những suy nghĩ, ý tưởng của trẻ hơn là những điều trẻ

hiểu biết. Do đó, họ cho rằng một trong những nội dung chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một mà người lớn phải quan tâm đó là dạy cho trẻ biết cách chia sẻ các ý tưởng, dự định của chúng với mọi người, hình thành cho trẻ kỹ năng hợp tác cùng nhau, tạo điều kiện và kích thích tính tích cực cũng như óc sáng tạo của trẻ trong các hoạt động. Các nhà giáo dục Nhật Bản rất quan tâm đến việc giáo dục và phát triển trí tuệ cũng như thể chất, tình cảm đạo đức của trẻ phù hợp với hoàn cảnh của trường MN, của cộng đồng địa phương nhằm hướng tới thực hiện năm mục tiêu và nội dung giáo dục là giáo dục sức khoẻ, giáo dục quan hệ với xung quanh, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục môi trường và biểu đạt phù hợp với Luật giáo dục và Chuẩn quốc gia về chương trình giáo dục MN. Một số nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Úc, Xingapo… lại hướng tới hình thành cho trẻ những năng lực chung để chúng có thể hoà nhập vào cuộc sống và chuẩn bị vào trường tiểu học [18].

Trong những năm gần đây, quan điểm giáo dục MN phổ biến ở nước ta cũng nhấn mạnh việc không dạy trẻ mẫu giáo lớn học trước chương trình lớp Một, tránh phổ thông hoá trong giáo dục MN. Tuy nhiên, trong thực tiễn giáo dục MN vẫn còn tình trạng ở một số nơi, một số địa phương do sự thúc ép và yêu cầu của phụ huynh cho nên vẫn dạy trẻ mẫu giáo lớn tập viết, tập đọc và làm toán như học sinh lớp Một. Trong khi, những yếu tố khác cần phải chuẩn bị như thể chất, tâm lý và một số kỹ năng cần thiết khác lại không được chú trọng đúng mức.

Như vậy, dù còn nhiều quan niệm khác nhau về chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo nhưng tựu chung lại, cơ bản các quan niệm đều thống nhất nhận thức rằng: Chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một là việc làm cần thiết. Sự chuẩn bị đó, tùy thuộc vào đặc điểm giáo dục mỗi nước, mỗi vùng, miền, địa phương để xác định trọng tâm là chuẩn bị về tâm thế của trẻ nói chung (trí tuệ, đạo đức, thể chất, ý chí, thẩm mĩ,...) và sự sẵn sàng về mặt tâm lí trước khi vào học tiểu học hay các phẩm chất ý chí, các kĩ năng xã hội cần thiết khác. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi quan niệm rằng chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một là chuẩn bị cho trẻ đạt được các chuẩn trong bộ Chuẩn trẻ 5 tuổi được quy định trong Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, ngày 23/7/2010, Ban hành quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi để trẻ có đủ tự tin

thích ứng vào học lớp Một [8]. Theo đó, Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi gồm 5 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 chỉ số.

Từ những phân tích trên đây trong nghiên cứu này quan niệm, hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường MN một là hệ thống những hoạt động giáo dục, rèn luyện cho trẻ và những hoạt động phối hợp với những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ, những người có liên quan của các chủ thể giáo dục nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết về thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ, giao tiếp, tình cảm và các KNXH giúp trẻ 5-6 tuổi có đầy đủ hành trang trước khi bước vào lớp Một.

1.2.2. Hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

1.2.2.1. Mục tiêu của chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một

Mục tiêu của việc chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi là nhằm hình thành, phát triển ở trẻ tình cảm, ý thức về bản thân, về quan hệ xã hội, về giao tiếp, thực hiện tốt các yêu cầu của công việc và ứng phó với những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày trước khi tham gia vào một hoạt động hay đáp ứng một yêu cầu nào đó. Thông qua hoạt động giáo dục trong trường học và trải nghiệm thực tiễn để giúp trẻ thích ứng với môi trường xung quanh, thích ứng với thiên nhiên, thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống, những tình huống nảy sinh trong cuộc sống xung quanh mình.

Chuẩn bị cho trẻ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ 5-6 tuổi trong việc hình thành và phát triển các phẩm chất tâm lý, năng lực thích ứng với cuộc sống và xã hội. Điều này được biểu hiện cụ thể như sau:

- Giúp trẻ đẩy nhanh sự phát triển về nhân cách, thông qua hoạt động của mình trẻ đóng góp vào sự tồn tại và phát triển của xã hội nói chung.

- Giúp trẻ phát triển những hành vi xã hội tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách tích cực các nhu cầu và quyền của con người.

- Giúp trẻ có khả năng thích ứng và chống chọi với mọi biến động xã hội, biết tự khẳng định mình trong cuộc sống, phát triển cho cá nhân và xã hội một cách hài hòa, thể hiện tình cảm đúng mực, đúng lúc, đùng chỗ.

1.2.2.2. Nội dung hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non- Chuẩn bị về mặt thể chất: - Chuẩn bị về mặt thể chất:

Chuẩn bị về mặt thể lực (thể chất) cho trẻ “không đơn thuần là sự chuẩn bị về lượng (phát triển chiều cao và trọng lượng cơ thể) mà còn là sự chuẩn bị về chất (năng lực làm việc bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan...” [18, tr.14]. Do vậy, cần phải xây dựng cho trẻ một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập... khoa học, hợp lí cả về thời gian và với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ. Tập cho trẻ một số thói quen cần thiết trong sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ; dạy trẻ nhận biết một số nguy cơ không an toàn và cách phòng tránh. Thực hiện đầy đủ nội dung, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục dinh dưỡng sức khỏe và vận động cho trẻ; tạo môi trường an toàn cho trẻ hoạt động một cách hứng thú tích cực và thoải mái có cảm giác an toàn, tự tin; ghi nhật kí, rút kinh nghiệm để bổ sung cho việc lên kế hoạch; kịp thời phát hiện sớm những trẻ có khó khăn về vận động, từ đó có biện pháp thích hợp để giúp đỡ trẻ ngay từ ban đầu. Kết hợp chặt chẽ với gia đình để đưa hoạt động giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe, vận động gắn liền với cuộc sống ở gia đình và cộng đồng.

- Chuẩn bị về mặt trí tuệ:

Nhà trường cần phải cung cấp cho trẻ những hiểu biết về môi trường xung quanh: Đó là tri thức về các hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày của con người, những nghề nghiệp trong xã hội, những quan hệ giao tiếp ứng xử giữa người với người [18]... Giúp trẻ tiếp cận dần với những tri thức về thế giới tự nhiên gần gũi xung quanh trẻ như động, thực vật, đồ chơi, đồ vật và những hiện tượng thiên nhiên gần gũi khác. Rèn luyện cho trẻ biết cách quan sát sự vật hiện tượng của thế giới xung quanh, tức là chuyển dần sang tri giác có chủ định thông qua các hoạt động. Trong vui chơi, trong học tập, GV cần rèn luyện cho trẻ khả năng quan sát nhằm nhận ra được những thuộc tính cơ bản cho đối tượng, vật thể, con vật, những thuộc tính của cây cối... Đồng thời cần rèn luyện cho trẻ tính linh hoạt, mềm dẻo và khả năng khái quát... của tư duy; tập cho trẻ phân tích, so sánh, phán đoán các sự vật hiện tượng trong những trạng thái khác nhau. Cùng với đó là luyện tập cho trẻ phát âm đúng và dùng ngữ điệu đúng, thích hợp được diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động, dạy trẻ biết lắng nghe, biết thể hiện tình cảm, suy nghĩ bằng lời hoặc bằng ngôn ngư tạo hình biểu cảm một cách rõ ràng, dễ hiểu.

Nhà trường cần phát triển khả năng định hướng môi trường xung quanh cho trẻ: Giúp trẻ tổ chức lại khả năng không gian, phân biệt được trên - dưới, trước - sau. Cùng với đó, dạy trẻ biết định hướng về mặt thời gian, có khả năng nhận biết các thời điểm trong ngày, các ngày trong một tuần, các mùa trong một năm; hình thành ở trẻ biểu tượng đúng đắn về quá khứ, hiện tại và tương lai; dạy trẻ ước lượng gần đúng khoảng thời gian đơn giản...; rèn cho trẻ biết tập trung chú ý vào những vấn đề cần nhận thức và duy trì sự chú ý trong một khoảng thời gian nhất định, biết hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu mà các GV đặt ra. Kích thích và nuôi dưỡng nhu cầu khám phá thế giới xung quanh cho trẻ. Tạo môi trường trong lớp và ngoài trời phong phú hấp dẫn trẻ, kích thích trẻ tò mò, khám phá, so sánh, phân loại, tưởng tượng, đếm và tạo cơ hội cho trẻ tìm cách giải quyết vấn đề theo những cách khác nhau; tạo không gian, thời gian và các phương tiện cần thiết cho trẻ tự hoạt động khám phá cung cấp những thông tin thích hợp cho trẻ một cách rõ ràng, mạch lạc.

- Chuẩn bị về mặt tâm thế:

Giới thiệu cho trẻ về môi trường mới và giúp trẻ làm quen với chúng, để không bị “sốc”, bỡ ngỡ. Theo đó, GV phải làm cho trẻ hiểu ngôi trường mà chúng sẽ đến không còn giống với trường MN nữa, và trong ngôi trường mới đó có những gì? Trẻ phải tham gia vào các hoạt động như thế nào? Trẻ đến trường phải học những gì, học như thế nào? Đồ dùng học tập của trường tiểu học và đặc biệt là đồ dùng học tập của lớp Một: sách, vở, bút, thước... Giúp trẻ biết về sự khác nhau giữa trường tiểu học và trường MN, để trẻ nhận ra tầm quan trọng của sự thay đổi từ MN lên tiểu học; cho trẻ hiểu biết về những điều mới mẻ của trường tiểu học nhằm tạo hứng thú và mong muốn được khám phá môi trường mới. Hình thành cho trẻ ý thức rằng: ở trường tiểu học, trẻ không còn là “bé 5 tuổi” mà đã trở thành một học sinh biết ý thức về bản thân và tự giác trong học tập, chuẩn bị trở thành “người lớn” [18]. Hình thành ở trẻ tính tự lập, tự giác và chủ động trong mọi hoạt động cũng như trong sinh hoạt. Tránh dùng trường tiểu học để gây áp lực, hù dọa, tạo tâm lý lo sợ, khiến trẻ bị ám thị khi nghĩ mình sẽ phải lên lớp Một.

Giúp trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ là một nhiệm vụ cơ bản của giáo dục tiểu học. Tiếng mẹ đẻ là phương tiện quan trọng nhất để lĩnh hội nền văn hoá dân tộc, để giao lưu với những người xung quanh, để sử dụng, tiếp thu khoa học, bồi bổ tâm hồn [18]. Việc luyện tập cho trẻ phát âm đúng và dùng ngữ điệu đúng, thích hợp được diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động của trẻ. Khi giao tiếp với trẻ, người lớn phải phát âm rõ ràng, phát âm đúng để trẻ bắt chước; uốn nắn, tập cho trẻ phát âm đúng các âm tiết, nhất là những âm khó. Trong giao tiếp hàng ngày, người lớn cần rèn cho

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp một ở các trường mầm non huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 25 - 35)