Nội dung quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp một ở các trường mầm non huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 37 - 43)

9. Cấu trúc luận văn

1.3. Quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

1.3.2. Nội dung quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non

Tiếp cận dưới góc độ khoa học quản lý, nội dung quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở các trường mầm non gồm:

Một là, quản lý mục tiêu và kế hoạch chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một.

Để thực hiện có hiệu quả các nội dung chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi các chủ thể quản lý của trường MN, đứng đầu là Hiệu trưởng phải quản lý chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện mục tiêu của chuẩn bị 5-6 tuổi vào lớp Một, đảm bảo sự phát triển phù hợp lứa tuổi, bảo đảm việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu thông suốt.

Trong công tác lập kế hoạch hoạt động chuẩn bị 5-6 tuổi vào lớp Một, Hiệu trưởng trường MN tiến hành: Xác định mục tiêu, nội dung của hoạt động chuẩn bị cho trẻ trong trường MN; phân tích đánh giá thực trạng những mặt mạnh, mặt yếu ở trẻ 5 tuổi, thuận lợi và khó khăn; xác định nguyên nhân của thực trạng chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi; xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một theo tuần, tháng, năm phù hợp với chủ đề để định hướng cho các bản kế hoạch giáo dục cụ thể của GV trong từng nhóm trẻ, độ tuổi của trẻ; xác định các biện pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch chuẩn bị cho trẻ; xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí các nguồn lực, chi phí; xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho GV về chuẩn bị cho trẻ; xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng trong và ngoài trường MN đối với hoạt động chuẩn bị

cho trẻ 5-6 tuổi. Do vậy, quá trình quản lý việc xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi phải bảo đảm:

- Tính khoa học, khả thi: GV cắm, bám lớp là những người trực tiếp thiết kế kế hoạch chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi. Do vậy, với tư cách là người có trách nhiệm cao nhất trong công tác quản lý, hiệu trưởng phải bảo đảm việc chỉ đạo xây dựng mục tiêu, kế hoạch một cách khoa học. Trực tiếp hoặc thông qua bộ máy quản lý của ban giám hiệu, kiểm soát chặt chẽ để GV tiến hành cụ thể hóa mục tiêu chuẩn bị 5-6 tuổi vào lớp Một cần thiết thông qua các kế hoạch cụ thể, gắn liền với các hoạt động hàng ngày của trẻ. Khi đặt mục tiêu, yêu cầu GV phải bảo đảm vừa sức với trẻ, đủ thời gian, có tính khả thi, gắn sát với các hoạt động của trẻ hàng ngày. Để bảo đảm phù hợp với tiến trình phát triển của trẻ trong năm và trong suốt cả quá trình, mục tiêu nên phải được chia vào kế hoạch tháng một cách tương đối về số lượng, không để một tháng phải thực hiện quá nhiều mục tiêu, gây áp lực cho cả GV và trẻ. Lựa chọn mục tiêu vào tháng phải phù hợp với sự phát triển của trẻ, mục tiêu dễ đơn giản thực hiện trước, mục tiêu khó, phức tạp thực hiện sau và phải xác định được khoảng thời gian, người phụ trách thực hiện mục tiêu đó.

- Bảo đảm tính toàn diện: Hiệu trưởng trường MN phải thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn việc xác định mục tiêu chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi của các GV, bảo đảm từng bước hình thành và phát triển cho trẻ về thể lực, về trí tuệ, không chỉ những giá trị về bản thân, về xã hội, về những thay đổi trong cuộc sống mà còn cho trẻ hình thành và thực hiện tốt việc giao tiếp, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh trong cuộc sống. Muốn vậy, phải chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, bám sát mục tiêu, gắn sát với hoạt động hàng ngày của trẻ, tránh làm qua loa, hình thức, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không có hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo hoạt động chuẩn bị cho trẻ thông qua hoạt động học, trải nghiệm thực tiễn, vui chơi, thể dục thể thao, tham quan du lịch, giao lưu văn hoá; hoạt động bảo vệ môi trường; lao động và các hoạt động xã hội khác để giáo dục kiến thức, hình thành các kỹ năng cũng như củng cố thái độ cho trẻ. Thông qua những hoạt động này, những thao tác, kỹ năng, thói quen, hành vi tốt được rèn luyện, củng cố; khơi dậy cho các em lòng yêu thích cái đẹp, hứng thú, tự giác trong việc thực hiện, rèn luyện các KNXH. Bằng nhiều hình thức và các biện pháp, hiệu trưởng phải làm cho tập thể sư phạm nhà trường

nhận thức được rằng chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một là việc làm cấp thiết, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi.

- Quá trình chỉ đạo, quản lý việc thực hiện các mục tiêu các chủ thể quản lý ở trường MN, đứng đầu là hiệu trưởng phải bảo đảm duy trì thực hiện nghiêm các mục tiêu chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi của GV và các lực lượng khác. Trực tiếp hoặc phân công cán bộ phụ trách việc theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện mục tiêu, kế hoạch của GV. Quá trình tổ chức thực hiện, ngoài theo dõi, giám sát, định hướng, hướng dẫn phải quan tâm tạo điều kiện cho các lực lượng tham giao chuẩn bị cho trẻ cả về thời gian, vật chất, phương tiện đi kèm.

Hai là, quản lý chương trình, nội dung, hình thức tổ chức và biện pháp chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một.

Quá trình chỉ đạo hoạt động chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi của hiệu trưởng trường MN phải bảo đảm: Xác định được phương hướng, mục tiêu hoạt động hoạt động; tiến hành ra các quyết định về hoạt động chuẩn bị cho trẻ; tiến hành động viên, khuyến khích các lực lượng tham gia hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức thực hiện các nội dung, hình thức và biện pháp hoạt động phù hợp để chuẩn bị cho trẻ; tiến hành tổng kết việc thực hiện kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho trẻ. Trong đó:

- Về chương trình, nội dung:

Đối với việc chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi ở trường MN, lựa chọn chương trình và nội dung phù hợp là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc quản lý chương trình, nội dung chuẩn bị phải quan tâm chỉ đạo đội ngũ làm công tác xây dựng nội dung, tổ chức thực hiện đến đánh giá kết quả đạt được.

Trên cơ sở các công văn của Bộ GD&ĐT, các trường MN phải cụ thể hóa nội dung chuẩn bị cho trẻ theo hướng toàn diện. Theo đó, cần tập trung chuẩn bị tốt cho trẻ cả về thể hiện ý thức về bản thân, sự tự tin, tự lực, nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh, hành vi và quy tắc ứng xử xã hội lẫn việc quan tâm đến môi trường xung quanh.

- Về hình thức tổ chức và các biện pháp thực hiện:

Hiệu trưởng phải làm tốt công tác quản lý, bảo đảm các hình thức và biện pháp chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi của GV và các lực lượng khác có liên quan luôn phong phú, đa dạng, linh hoạt nhưng rất sáng tạo. Bên cạnh thông qua tổ chức các hoạt động hàng

ngày theo hướng tập trung như: hoạt động học tập, ăn, ngủ, vui chơi để giáo dục cho trẻ, nhà trường nên sử dụng các hình thức giáo dục theo nhóm trẻ để khu biệt, phát huy hiệu quả và cho trẻ thực hành các trải nghiệm thực tiễn. Làm cho GV nhận thức sâu sắc rằng: Căn cứ vào nội dung chuẩn bị để lựa chọn hình thức, biện pháp chuẩn bị cho hợp lý. Quá trình tổ chức thực hiện, cần chỉ đạo GV và các lực lượng khác kết hợp giữa chuẩn bị thông qua giáo dục các nội dung học tập với tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tiễn cho trẻ như tham quan, dã ngoại, tổ chức hội thi, hội thao,… để trẻ rèn luyện các KNS, nhất là KNXH cần thiết và phát triển các tình cảm tích cực. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chuẩn bị cho trẻ, đặc biệt là chuẩn bị PTTC và KNXH cho trẻ 5-6 tuổi.

Ba là, tổ chức sử dụng lực lượng chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một.

Để công tác chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một đạt hiệu quả cao cần có một môi trường giáo dục lành mạnh, môi trường văn hóa sư phạm thuận lợi cũng như sự chung tay, góp sức của tất cả các lực lượng có liên quan. Do vậy, với tư cách là người có trách nhiệm quản lý cao nhất, Hiệu trưởng các trường MN phải chú trọng chỉ đạo, quản lý tốt việc phối hợp giữa các lực lượng trong quá trình chuẩn bị; phải bảo đảm cả nhà trường, gia đình và xã hội đều có trách nhiệm chung đối với nhiệm vụ này nhằm thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp chuẩn bị cho trẻ.

Muốn làm tốt điều này, trước hết phải phân công, giao nhiệm vụ cắm, bám trẻ rõ ràng, cụ thể cho từng GV; quản lý chặt chẽ công tác chuẩn bị cho trẻ của GV và các lực lượng liên quan trong nhà trường, bảo đảm các lực lượng này luôn thực hiện đúng nội dung, đủ thời gian, phương pháp và cách thức chuẩn bị phù hợp với đặc thù của lứa tuổi mẫu giáo lớn. Chỉ đạo việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, tạo ra một bầu không khí giáo dục trong nhà trường nề nếp, đúng mực, quan hệ thân thiện giữa các thành viên trong nhà trường: giữa GV với GV, giữa GV với trẻ và giữa các trẻ với nhau để tạo tác dụng tích cực đến trẻ, góp phần tạo nên phẩm chất tốt đẹp ở trẻ; cùng với đó, chủ động và thường xuyên làm tốt công tác liên hệ với các bậc phụ huynh để cùng chuẩn bị cho trẻ, qua đó quản lý tốt việc thực hiện nhiệm vụ của các GV thuộc quyền; bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ, tranh thủ sự giúp đỡ, phối kết hợp của chính

quyền địa phương để quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ nên người, hình thành ở trẻ những tình cảm tốt đẹp và các KN cần thiết phục vụ cho học tập và cuộc sống.

Bốn là, quản lý các điều kiện đảm bảo phục vụ hoạt động chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một.

Không nằm ngoài những vấn đề có tính quy luật, việc quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi cần phải được đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết nhất. Do vậy, hiệu trường phải:

Quan tâm bảo đảm đầy đủ vật chất phương tiện cần thiết phục vụ cho hoạt động chuẩn bị cho trẻ. Bảo đảm đủ số và chất lượng các loại tài liệu, sách, báo về giáo dục cho trẻ ở trường MN. Phải bảo đảm ít nhất mỗi GV có đủ cẩm nang giáo dục cho trẻ. Thường xuyên quan tâm, chăm lo, chỉ đạo bổ sung các loại sách báo, tài liệu tham khảo, nhất là một số tài liệu hướng dẫn cách dạy các kỹ năng cần thiết cho trẻ ở trường, ở nhà và khi giao tiếp với xã hội. Quan tâm bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động chuẩn bị cho trẻ, nhất là phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm, qua đó tăng tính hấp dẫn, hiệu quả các nội dung cũng như tạo điều kiện để GV lựa chọn hình thức tiến hành cho phù hợp. Phải bảo đảm đầy đủ ti vi, âm ly, loa đài, đầu video, đàn, dụng cụ thể thao, dụng cụ phục vụ cho trẻ chơi, đồ dung học tập; thường xuyên bảo đảm tốt kinh phí cho các hoạt động chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một.; thống kê, mua sắm bổ sung các thiết bị còn thiếu, thay thế các trang thiết bị đã cũ kỹ, xuống cấp hoặc hư hỏng. Trong điều kiện còn khó khăn, phải động viên, kích thích ý tưởng sáng tạo của GV trong việc tận dụng các phế liệu để làm đồ dung học tập, phục vụ hiệu quả cho việc giáo dục cho trẻ; tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của địa phương, gia đình, các đoàn thể xã hội, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn và sử dụng nguồn kinh phí này bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích.

Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng, bảo quản các loại tài liệu, trang thiết bị của nhà trường bảo đảm sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn. Có sổ sách, kế toán rõ ràng, đầy đủ để theo dõi, tổng hợp tình hình. Trực tiếp giao cho cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng bảo quản các trang thiết bị để lấy làm cơ sở quy trách nhiệm khi có mất mát, hư hỏng, tránh tình trạng cha chung không ai khóc.

Năm là, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp Một.

Đây là chức năng cơ bản của Hiệu trưởng, việc quản lý kết quả chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi nhằm uốn nắn, điều chỉnh kịp thời nội dung phương pháp, hình thức chuẩn bị cho phù hợp, đúng hướng, đạt mục tiêu đã xác định cao nhất, hạn chế được chi phí đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất trong việc quản lý hiệu quả hoạt động này là hiệu trưởng các trường MN phải thiết kế được bộ tiêu chí chuẩn để đánh giá chính xác mức độ của trẻ 5- 6 tuổi, đánh giá hiệu quả tác động của sự phát triển đó cả trong và sau quá trình chuẩn bị. Tức là, các nhà quản lý phải luôn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, hiệu quả vận hành chuẩn bị trước, trong và sau quá trình diễn ra các hoạt động; lấy tiêu chí sự phát triển Chuẩn trẻ 5 tuổi để đánh giá mức độ thành công, tính hiệu quả các nội dung, hình thức tiến hành công tác chuẩn bị. Muốn làm tốt điều này:

Hiệu trưởng phải tổ chức triển khai, tiến hành quán triệt, phổ biến sâu, rộng, chặt chẽ đến mọi GV và lực lượng có liên quan nắm chắc các tiêu chí đánh giá về sự phát triển của trẻ 5-6 tuổi ngay từ đầu khóa học, năm học.

Thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi của GV. Việc làm này nhằm kiểm tra tính hiệu quả của các nội dung, hình thức giáo dục đang thực hiện, thiết lập mối quan hệ ngược trong quản lý, động viên, khích lệ các cách làm hay, sáng tạo của GV, kịp thời phát hiện, tiến hành điều chỉnh các hoạt động không phù hợp của GV; phát hiện và tìm cách giải quyết các vướng mắc hiện tại của công tác chuẩn bị. Vận dụng linh hoạt trong công tác kiểm tra, kết hợp giữa kiểm tra theo kế hoạch với kiểm tra đột xuất, kiểm tra thông qua sổ sách, giấy tờ với kiểm tra thông qua hoạt động thực tiễn hàng ngày của trẻ, kiểm tra cả trong giờ học chính khóa với các giờ ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm… để bảo đảm không gây áp lực cho cả GV và trẻ nhưng vẫn quản lý chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch đã đặt ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp một ở các trường mầm non huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 37 - 43)