Mục tiêu lợi nhuận đặt ra cao
Trong năm 2012, mức huy động vốn của ngân hàng tăng cao, đứng trước tình hình như vậy nếu ngân hàng không nhanh chóng cho vay đi đồng vốn này thì, một phần ngân hàng phải gánh lấy chi phí sử dụng vốn, một phần mức sinh lợi do đồng vốn sinh ra thấp do ngân hàng có thể gởi tại các tổ chức tín dụng khác để sinh lời, điều này tất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra do trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp lại không muốn vay, cho nên để thu hút khách hàng thì ngân hàng buộc phải giảm lãi suất, và điều này sẽ làm giảm đi chênh lệch giữa lãi huy động và lãi cho vay, ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng. Chính vì vậy, mà ngân hàng phải đẩy nhanh mặt lượng để bù đắp cho mặt chất đã suy giảm, để đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đề ra. Và nguyên nhân còn lại đó là phải tăng dư nợ để làm nhỏ đi tỷ lệ nợ xấu, bởi vì nợ xấu có thể làm ảnh hưởng đến giá trị của ngân hàng trên thị trường do ngân hàng được đánh giá là hoạt động không tốt, và theo thông tin có được thì giá cổ phiếu của LPB tại thời điểm gần đây được giao dịch trên thị trường không chính thức là 7.000đ/CP.
Chính 3 nguyên nhân này mà mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng được đặt lên hàng đầu, và kéo theo là phải tăng trưởng dư nợ tín dụng cao để đáp ứng phần lớn mục tiêu đó. Tất nhiên để dư nợ tín dụng tẳng cao thì cán bộ tín dụng cũng phải chấp nhận cấp tín dụng cho các hồ sơ có độ an toàn không cao, hay hồ sơ mà hiệu quả mà phương án mang lại là không khả thi, cho nên trong bối cảnh này việc cán bộ tín dụng xem tài sản đảm bảo - nguồn thu nợ thứ hai quan trọng hơn nguồn thu từ phương án vay vốn - nguồn thu nợ chính yếu là không mấy khó hiểu. Ngoài ra, do chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà hoạt động quản lý rủi ro tín
dụng cũng không được chú trọng. Và một điều tất yếu là rủi ro tín dụng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chưa giám sát việc tuân thủ quy trình cho vay
LPB đặt ra một chính sách tín dụng với mục tiêu lợi nhuận và an toàn. Tuy nhiên, việc đảm bảo hai yếu tố trên cùng lúc luôn là bài toán khó trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Từ nguyên nhân về lợi nhuận như phân tích ở trên, ta có thể thấy việc giao chỉ tiêu cho các chi nhánh sẽ là rất cao, nên trong vài trường hợp sự giám sát của cấp quản lý đối với việc tuân thủ quy trình cho vay của cán bộ tín dụng là chưa tốt, nhiều cán bộ vẫn chưa tuân thủ quy trình cho vay, nhiều khoản tín dụng được cấp khá vội vàng, chạy theo yêu cầu của khách hàng mà thiếu đi sự phân tích thẩm định tín dụng. Một mặt do chất lượng thông tin mà khách hàng cung cấp không có độ chính xác cao, và dưới áp lực của chỉ tiêu mà cán bộ tín dụng cũng không kiểm tra lại tính chính xác của thông tin, phân tích qua loa cho có, và hồ sơ tín dụng đó tất yếu chứa đựng trong nó rủi ro cao cho ngân hàng.
Hay trong trường hợp giải ngân cán bộ tín dụng cũng không tuân thủ theo quy trình cho vay, vẫn giải ngân cho khách hàng khi mà bộ hồ sơ chưa đầy đủ, chẳng hạn như không có hóa đơn chứng minh mục đích sử dụng vốn, hoặc có hóa đơn nhưng lại được xuất từ 3 - 4 tháng trước. Bên cạnh đó, ngân hàng quá chú trọng vào tài sản đảm bảo nợ vay, xem như đây là một giải pháp an toàn khi cho vay. Trong quá trình quyết định cấp tín dụng thì LPB cũng ưu tiên xem xét khách hàng có tài sản đảm bảo mặc dù các điều kiện cho vay chưa đáp ứng đúng và đầy đủ.
Ngoài ra quá trình giám sát sau cho vay còn tiến hành lỏng lẻo, qua loa. Nguyên nhân có thể là sợ gây phiền hà cho khách hàng hoặc không có thời gian bởi vì một cán bộ tín dụng phải phụ trách quá nhiều khách hàng, nên cán bộ tín dụng chỉ thực hiện kiểm tra chiếu lệ, mang tính hình thức. Bên cạnh đó nhiều chi nhánh tiến hành đầu tư tín dụng ra ngoài địa bàn hoạt động nên việc kiểm tra tình
hình kinh doanh, năng lực tài chính, tính trung thực trong việc sử dụng vốn vay, kiểm soát dòng tiền của khách hàng không đảm bảo. Bên cạnh đó các cấp quản lý giám sát giai đoạn này cũng chỉ cần kiểm tra về mặt giấy tờ theo biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay, mà không thực sự quan tâm đến hiệu quả kinh doanh thực tế của khách hàng. Tất cả những điều đó làm hạn chế khả năng phòng ngừa rủi ro tín dụng.
Ngân hàng chưa tổ chức tốt bộ máy thu thập thông tin
Hầu hết các thông tin mà cán bộ tín dụng sử dụng để phục vụ cho việc thẩm định hầu hết đều do khách hàng cung cấp, nó mang tính chất một chiều. Và có thể thấy được trong nhiều trường hợp khách hàng tự tạo số liệu để thỏa mãn các điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa có một bộ phận chuyên môn nào để kiểm tra đánh giá mức độ chính xác và tin cậy của thông tin này, mà hiện nay công việc này lại do chính cán bộ tín dụng đảm nhận, nó không mang tính chuyên môn cao. Do đó mà ảnh hưởng đến chất lượng thông tin đầu vào, và tất nhiên chất lượng thông tin đầu vào không tốt, thì độ an toàn của việc đưa ra quyết định cấp tín dụng không cao, chứa đựng rủi ro.
Bộ phận kiểm toán nội bộ chưa phát huy hết vai trò
Trong thời gian qua, các cuộc kiểm toán nội bộ của LPB được tổ chức định kỳ đã góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động cho vay của LPB, giúp cho hoạt động của ngân hàng được thực hiện đúng quy định của pháp luật và các quy định nội bộ, từ đó ngăn ngừa được các sai phạm, các rủi ro, tổn thất có thể xảy ra, đồng thời tư vấn cho Ban lãnh đạo LPB trong việc xây dựng các quy chế cũng như quản lý hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, rủi ro tín dụng tại LPB hiện nay vẫn còn tồn tại. Một trong các nguyên nhân chính là kiểm toán nội bộ đối với nghiệp vụ cấp tín dụng vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng, còn nhiều hạn chế:
Phương pháp kiểm tra, kiểm toán đã lạc hậu so với yêu cầu mới: thực hiện kiểm toán theo phương pháp kiểm toán riêng lẻ. Thực hiện theo phương pháp này thì phải xem xét từng chứng từ riêng lẻ, từng khoản tín dụng cụ thể, gắn với trách nhiệm từng nhân viên cụ thể mà chưa phải là việc kiểm toán hệ thống để có cách nhìn tổng quát về quy trình. Với khối lượng rất nhiều các giao dịch nhất là khi tăng quy mô nên tốn kém cả về thời gian và công sức mà hiệu quả chưa cao.
Chưa ban hành nội quy tạo tiền đề quan trọng cho khả năng hoạt động của kiểm toán nội bộ. Trong nội quy này, trước hết phải quy định một cách hợp lý và thường xuyên cập nhật về cơ cấu tổ chức và quy trình vận hành cũng như sự phân cấp thẩm quyền. Nội quy này phải giúp cho kiểm toán nội bộ có thể theo đó tiến hành kiểm toán mà không cần một cơ sở gì khác.
Đạo đức nghề nghiệp nhân viên ngân hàng chưa được xem trọng
Ngoài việc đòi hỏi trình độ chuyên môn phải cao, đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng cũng cần phải được xem trọng. Nhưng thực tế vì lợi ích cá nhân, một số nhân viên ngân hàng đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vố ý làm trái quy định. Chẳng hạn, cán bộ tín dụng đã:
- Định giá tài sản đảm bảo quá cao so với giá trị thực của tài sản trên thị trường nhằm mục đích là rút tiền vay nhiều;
- Thực hiện giải ngân trong ngày để đảo nợ cho các khoản vay đến hạn (áp dụng đối với cho vay theo phương thức hạn mức);
- Thông đồng với khách hàng làm giả mạo chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn...
Như vậy, những vi phạm này là nguyên nhân làm cho ngân hàng gặp nhiều rủi ro trong quá trình thu hồi nợ vay, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng.