Hiện nay, chính sách cho vay với các quy định cơ bản về nguyên tắc chung, điều kiện cho vay, các tỷ lệ an toàn trong cho vay vẫn đang được LPB thực hiện theo quy định chung của Ngân hàng Nhà nước cũng như quy định cụ thể của LPB. Quyền chủ động trong xây dựng chính sách cho vay nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng là việc xây dựng các chính sách về lãi suất, chính sách khách hàng, quy mô và cơ cấu tín dụng phù hợp với đặc điểm nguồn vốn, khả năng quản lý và nhân lực. Cụ thể, chính sách cho vay nên được xây dựng theo hướng sau:
Chính sách khách hàng: đây là việc nên làm đầu tiên trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng như hiện nay. Xây dựng chính sách khách hàng là điều cần thiết trong tình hình cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng với nhau như hiện nay nhằm giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới theo hướng đa dạng hóa thành phần từ cá nhân đến tổ chức kinh tế để vừa mở rộng thị phần, vừa phân tán rủi ro. Những biện pháp cụ thể là:
- Phân loại khách hàng dựa vào các tiêu chí cả về quá khứ, hiện tại lẫn dự phóng trong tương lai như tiền gửi thanh toán, chất lượng tín dụng, thu nhập mang lại cho ngân hàng,... để từ đó có những chính sách ưu tiên trong giao dịch đối với các nhóm khách hàng đã được phân loại.
- Đồng bộ các sản phẩm, dịch vụ của LPB. Một mặt để bán chéo sản phẩm, mặt khác để giữ chân khách hàng, hạn chế tình trạng khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác và có sự so sánh.
- Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ ngân hàng. Đây là biện pháp hiệu quả trong việc thu hút và sử dụng vốn của ngân hàng, qua đó cũng
nâng cao năng lực của ngân hàng. Chất lượng phục vụ bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan đến khách hàng chẳng hạn như là: thủ tục giấy tờ gọn nhẹ, thời gian xử lý nghiệp vụ nhanh chóng, tư vấn cho khách hàng hiệu quả, phong cách, thái độ giao tiếp tốt để làm vừa lòng khách hàng, nơi giao dịch sạch sẽ, thuận tiện,…
Thiết lập một danh mục cho vay hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của từng vùng, từng khu vực, từng đối tượng khách hàng cụ thể trong từng thời kỳ, đồng thời phải phù hợp với định hướng chính sách của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước. Danh mục tín dụng phải đảm bảo các yếu tố: Đa dạng hóa được ngành nghề, khách hàng vay, yếu tố địa lý và cả loại hình cho vay; Phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện, xu hướng phát triển của thị trường hoạt động; Phù hợp quy mô, năng lực và khả năng kiểm soát rủi ro của bản thân ngân hàng; Phù hợp định hướng phát triển và lợi thế so sánh của ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, LPB cần thực hiện các biện pháp cụ thể:
- Tập trung vào nhóm khách hàng kinh doanh các mặt hàng được Nhà nước khuyến khích như: xuất khẩu gạo, thủy sản, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, sản xuất hàng xuất khẩu,… và hiện nay thế mạnh của ngân hàng là trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp nông thôn, ngân hàng đã gặt hái được những thành công nhất định cũng như đã có những kinh nghiệm trong lĩnh vực, ngành nghề này. Trong thời gian sắp tới ngân hàng nên tiếp tục tập trung nguồn lực của mình cho thế mạnh này.
- Ưu tiên cho vay các doanh nghiệp có trụ sở chính tại địa bàn hoạt động gần LPB để tiện cho việc nắm bắt thông tin khách hàng, tái thẩm định khách hàng. Cần phải phân bổ, điều chuyển khách hàng vay hợp lý giữa các chi nhánh, điều này giúp cho việc kiểm tra sau cho vay của khách hàng được diễn ra thường xuyên và dễ dàng hơn. Tránh tình trạng tranh giành khách hàng trong cùng hệ thống, thứ nhất làm mất đi hình ảnh của LPB, và gây rủi ro khi không theo sát được khách hàng vay.
Ngoài ra cần phải thiết lập được các giới hạn cho vay cụ thể đối với từng nhóm khách hàng, từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, không nên đưa ra chính sách khuyến khích một cách chung chung, dễ dẫn đến mất cân đối trong danh mục, rủi ro đã không được phân tán hợp lí.
Chính sách lãi suất: Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, khi lãi suất được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước và có thỏa thuận, LPB nên xây dựng chính sách lãi suất dựa vào uy tín trả nợ của khách hàng, tính khả thi của phương án kinh doanh. Trên cơ sở đó, có chính sách lãi suất ưu đãi linh hoạt cho những khách hàng có uy tín trả nợ tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả, tài sản đảm bảo thích hợp, khách hàng tiềm năng theo chính sách khách hàng cụ thể. Mở rộng hơn nữa thẩm quyền giảm lãi suất của Giám đốc khối/Hội đồng tín dụng để chi nhánh thuận tiện trong việc tiếp thị khách hàng, tránh trường hợp bỏ sót những khách hàng tốt, đồng thời có thể tổng kết, kiểm soát được lượng khách hàng này nhanh chóng. Có trường hợp chi nhánh ngân hàng tiếp thị được những khách hàng có tiềm năng rất tốt, nhưng những chính sách của ngân hàng đối với khách hàng thì cũng giống như những ngân hàng khác, không có được sự ưu đãi để có thể lôi kéo được khách hàng, lúc này giám đốc phải trình hội sở và chờ phê duyệt, rất mất thời gian, và dễ để mất đi khách hàng, bởi khách hàng có thể đánh giá ngân hàng làm việc thiếu chuyên nghiệp. Ngược lại, đối với những món vay nhỏ, khoản vay tín chấp thì áp dụng mức lãi suất cao để bù đắp được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình cấp tín dụng, nhưng phải giới hạn ở một tỷ lệ có thể chấp nhận được, tránh những rủi ro không đáng có.
Về chính sách đối với tài sản đảm bảo: tài sản đảm bảo là nguồn thu thứ cấp để thu hồi vốn khi có rủi ro xảy ra, vì vậy cần phải có quy định cụ thể hơn về việc định giá tài sản đảm bảo. Việc xác định giá trị tài sản đảm bảo cần khách quan, xem xét kỹ khả năng chuyển nhượng, điều kiện pháp lý và tính khả mại. Ngân hàng cần thường xuyên theo dõi tài sản đảm bảo, nắm bắt thông tin về tài sản đảm bảo, nếu có biến động lớn thì cần xem xét định giá lại tài sản. Đồng thời, cần thường xuyên thu thập thông tin về tài sản cùng loại qua thị trường và trung
tâm bán đấu giá để có cơ sở định giá. Ngoài ra, ngân hàng cũng nên kết hợp với nhiều cơ quan ban ngành khác trong việc xử lý tài sản đảm bảo và kết hợp các biện pháp bảo hiểm tài sản thế chấp mà người thụ hưởng là ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy chế cho vay, đảm bảo tiền vay trên cơ sở bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các bên liên quan về việc tuân thủ quy chế cho vay và bảo đảm tiền vay, hạn chế bớt các thủ tục pháp lý phức tạp, gây khó khăn cho các chi nhánh.
Ban hành các quy trình, quy chế và thủ tục về sử lý nợ xấu, hay phát mãi tài sản. Hiện tại công việc này đang được các cán bộ tín dụng thực hiện theo kinh nghiệm vốn có của mình chứ không hề có văn bản, quy trình quy định cụ thể nào để hướng dẫn. Đôi lúc công tác xử lý nợ xấu bị chậm tiến độ do cán bộ tín dụng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngân hàng.