9. Kết cấu của luận văn
2.6.3.2. Những khó khăn cụ thể
Khó khăn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm phải được lập thành văn bản có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và/hoặc cơ quan chức năng. Mặc dù Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ đã quy định về việc hỗ trợ của UBND, cơ quan công an trong việc thu giữ tài sản nhưng chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan này. Do vậy, trong một số trường hợp TCTD chưa nhận được sự hỗ trợ, phối hợp khi xử lý tài sản.
Về đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đảm bảo bị xử lý để thu hồi nợ vay khi không có ủy quyền của bên bảo đảm hoặc không có hợp đồng chuyển nhượng tài sản do bên bảo đảm ký. Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngân hàng có thể chủ động xử lý tài sản để thu hồi nợ vay mà không cần phải có sự ủy quyền của bên bảo đảm và trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo thì hợp đồng thế chấp, cầm cố sẽ được dùng thay thế cho hợp đồng mua bán/chuyển nhượng khi
đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền từ chối đăng ký quyền sở hữu cho bên mua khi không có hợp đồng mua bán/chuyển nhượng tài sản có chữ ký của chủ tài sản hoặc uỷ quyền của chủ tài sản. Điều này gây khó khăn rất lớn cho ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ vay.
Cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo trên dư nợ cho vay thấp, hoặc tài sản chưa chứng minh được quyền sở hữu, khó phát mại nên khả năng thu hồi đủ giá trị khoản nợ từ thanh lý tài sản đảm bảo không cao.
Về việc khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ vay
- Có trường hợp Tòa án một vài quận, huyện không nhận đơn hoặc đình chỉ xét xử với lý do ngân hàng không bổ sung vào bộ hồ sơ khởi kiện Biên bản từ chối giao tài sản đảm bảo hoặc chưa đến thời hạn trả nợ cuối cùng của hợp đồng tín dụng (mặc dù khách hàng đã vi phạm các phân kỳ trả nợ).
- Các cách hiểu và vận dụng pháp luật giữa các cơ quan liên quan như Tòa án, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm… chưa đồng bộ dẫn đến một số trường hợp hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của ngân hàng.
- Một trong những biện pháp xử lý nợ xấu là khởi kiện bên vay và yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay tại Tòa án. Tuy nhiên, biện pháp tố tụng để thu hồi nợ vay tốn rất nhiều thời gian và chi phí do người bị khởi kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cố tình trì hoãn với lý do vắng mặt, đi khỏi nơi cư trú, cố tình tạo những tranh chấp pháp lý về tài sản… Có những trường hợp bên vay vốn, bên bảo đảm bị khởi tố điều tra hình sự trong một vụ án khác hoàn toàn không liên quan đến khoản vay của ngân hàng nhưng Tòa án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản với ngân hàng cho đến khi có kết quả giải quyết của cơ quan điều tra. Do đó, việc xử lý nợ xấu thông qua tố tụng hiện nay gây khó khăn rất lớn cho các ngân hàng.
- Thời gian xử lý kéo dài, tốn kém, phải qua nhiều cấp xét xử (02 cấp xét xử), chưa kể trường hợp bên thế chấp/bảo lãnh làm đơn đề nghị xem xét bản án,
quyết định của Tòa án làm kéo dài thêm thời gian thi hành bản án… Các ngân hàng phải gánh nợ xấu và người vay cũng phải chịu thêm lãi suất quá hạn.
- Các tài sản đảm bảo thường có giá trị lớn nên theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, TCTD có quyền xử lý thông qua đấu giá. Tuy nhiên, để bán được tài sản này cũng phải trải qua nhiều công đoạn và thủ tục phức tạp.
Cụ thể, đối với khách hàng chống đối, việc cưỡng chế giao nhà kéo dài do sự khiếu nại, chống đối và phá hoại tài sản của khách hàng vay, khi đó tiền bán đấu giá thành công phải lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng; tài sản kê biên đã được định giá và bán đấu giá không có người mua nhưng sau đó, một trong các bên có yêu cầu định giá lại, giá định giá lại cao hơn giá đã đưa ra bán đấu giá trước đó; ngân hàng nhận tài sản thế chấp hợp pháp, thậm chí đã xử lý xong tài sản đảm bảo nhưng vẫn bị kê biên theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010.
- Khó khăn trong việc nhận tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ vay. Khi ngân hàng nhận bất động sản là quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng là đất ở thì một số địa phương yêu cầu chuyển mục đích sang đất sản xuất kinh doanh mặc dù ngân hàng chỉ nhận để xử lý nợ vay. Khi ngân hàng chuyển nhượng lại thì tiền chuyển mục đích ngược lại chưa được quy định rõ, dẫn đến việc người nhận chuyển nhượng e ngại, làm ảnh hưởng đến tính khả mại của quyền sử dụng đất.
- Đăng ký giao dịch bảo đảm là một thủ tục để ưu tiên cho ngân hàng khi xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp khách hàng bán tài sản bằng giấy hoặc hợp đồng viết tay không hợp pháp cho bên thứ ba dẫn đến tranh chấp giành quyền xử lý tài sản.
- Khó khăn trong việc bán nợ cho VAMC:
+ Các khoản nợ xấu đã được ngân hàng khởi kiện sau đó bán nợ cho VAMC đều được Tòa án hướng dẫn ngân hàng rút đơn để VAMC khởi kiện lại với
tư cách là nguyên đơn. Nếu ngân hàng không đồng ý, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án.
+ Thủ tục ủy quyền: Tòa án không chấp nhận ủy quyền từ VAMC mà chỉ chấp nhận ủy quyền từ VAMC cho cá nhân, dẫn đến các thủ tục liên quan sẽ mất nhiều thời gian vì mọi văn bản cần đóng dấu đều phải chuyển cho VAMC.
+ Đối với những khoản nợ vay đã bán nợ cho VAMC, trong quá trình xử lý nợ, khách hàng đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, các cơ quan công chứng không đồng ý công chứng hợp đồng thế chấp bổ sung do hiện nay VAMC là chủ nợ nhưng không có chức năng cho vay, không được nhận thế chấp tài sản.
Kết luận chương 2
Thành phố Cần Thơ đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp; là trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại - dịch vụ của vùng.
Để góp phần thực hiện được mục tiêu trên, ngành ngân hàng trên địa bàn, với chức năng chủ đạo là cung ứng vốn cho nền kinh tế, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích thích đầu tư trong và ngoài nước, gia tăng năng lực cạnh tranh của thành phố trong thời gian tới.
Muốn vậy, nhiệm vụ cấp bách trước mắt của các NHTM là phải có biện pháp hữu hiệu để xử lý các khoản nợ xấu một cách hiệu quả, đúng quy định và quan trọng hơn hết là tìm ra những giải pháp để phòng ngừa và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Những kiến nghị, giải pháp sẽ được trình bày cụ thể trong Chương 3.
Giới thiệu chương 3
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về rủi ro tín dụng, về nợ xấu, qua phân tích thực trạng nợ xấu và những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại các NHTM trên địa bàn TP Cần Thơ, tác giả đề xuất một số giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu, trong đó, nêu lên một số giải pháp gắn với những đặc điểm riêng của hoạt động tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của các NHTM.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU
TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TP CẦN THƠ