Tình hình quản lý đất đai:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác lập cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất bền vững có sự tham gia trên địa bàn huyện krông buk đắk lắk​ (Trang 53 - 56)

* Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (theo kết quả tổng hợp từng bộ phận điều tra nông hộ).

a) Xã Cư Né: Hầu như chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. b) Xã Cư Pơng: (40 hộ) Đã cấp : 35,45% Chưa cấp : 64,55%. c) Xã Ea Drông: (30 hộ) Đã cấp : 43,3%. Chưa cấp : 56,7%.

Từ số liệu trên nhận thấy tỷ lệ diện tích chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Điều này là một trong những nguyên nhân đã gây ra những vụ tranh chấp đất đai giữa dân di cư tự do và dân tộc bản địa làm mất an ninh trật tự. Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nông lâm nghiệp. Bởi vì khi đất đã có chủ thực sự thì nhân dân có thể thế chấp vay vốn để đầu tư cho sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi.

+ Vấn đề sử dụng đất đai và kinh nghiệm truyền thống trong canh tác trước đây với phương thức canh tác nương rẫy du canh truyền thống, đồng bào không biết cải tạo đất vì được hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên đất đai màu mỡ, hơn nữa những nguồn đất đai còn nhiều. Nhưng hiện nay, do rất nhiều những áp lực về đất đai như: dân số tăng nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm,… đã buộc họ phải xem xét và quan tâm đến vấn đề cải tạo đất thường xuyên bằng cách làm cỏ, cày xới đất tơi xốp và bón phân vào mùa mưa. Họ biết chăn nuôi để lấy phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, trước sự khắc nghiệt về điều kiện khí hậu như vấn đề thiếu nước tưới vào mùa khô, nguồn giống mới cần có những kiến thức mới hơn để thâm canh nên họ rất lúng túng khi tiếp cận với kỹ thuật trồng trọt khác biệt và đây thực sự đã trở thành những thách thức mới đối với người dân trong vùng, đồng thời là nguyên nhân của vấn đề sử dụng đất đai không hiệu quả. Kinh nghiệm trong xác định các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả đã được người dân rất coi trọng và xác định là mối quan tâm hàng đầu khi quyết định một vụ mùa mới khác với trước đây bằng một số giống cây, con mới thay thế những giống bản địa truyền

thống có năng suất kém phần nào làm đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và họ đang thích ứng dần với hướng sản xuất mới theo nhu cầu thị trường. Những kinh nghiệm này thể hiện khi tổng hợp ý kiến của họ.

+ Đối với đất nương rẫy ngoài việc trồng cây công nghiệp hiệu quả như cà phê, tiêu, điều, sầu riêng và các loại cây ăn trái khác thì có thể trồng các cây lương thực ngắn ngày phù hợp như đậu, bắp, bông vải, mì, lúa rẫy địa phương, vì chúng phù hợp với trình độ và khả năng kinh tế của đồng bào, đồng thời thu được sản phẩm nhanh.

+ Đối với đất ruộng nước, ao hồ thì việc trồng cây lúa nước hai vụ có chăn nuôi thuỷ sản là phù hợp nhất.

* Tình hình tranh chấp đất đai đã được đưa ra thảo luận, phân tính và được sự thống nhất của người dân địa phương. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ tranh chấp đất đai này là do: Phần lớn các hộ tự mua bán, san nhượng đất không thông qua cấp trên mà chỉ thông qua giấy viết tay; ranh giới chưa xác định rõ ràng giữa các xã vùng lân cận; nhân dân và cán bộ quản lý đất đai trong vùng chưa am hiểu được luật đất đai, còn lúng túng khi tiếp cận và giải quyết các vấn đề cấp bách. Đối tượng tranh chấp chủ yếu trong khu vực là: Giữa dân tộc bản địa với dân di cư tự do xảy ra tương đối phổ biến mà nguyên nhân là dân di cư không có đất sản xuất, mua bán không có sự thoả thuận rõ ràng, đồng bào nhiều đất nên không quản lý được; giữa dân di cư với dân di cư mà nguyên nhân do điều kiện kinh tế của dân di cư còn gặp nhiều khó khăn, không có đất sản xuất; giữa các nhân dân trong buôn xảy ra rất ít do một số nguyên nhân ranh giới đất chưa xác định rõ, chưa cấp quyền sử dụng đất, do trình độ dân trí thấp, chưa am hiểu luật đất đai. Tóm lại, vấn đề tranh chấp đất đai đã làm mất ổn định trong sản xuất dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng và mất trật tự an ninh xã hội.

3.2.7-Những thuận lợi và khó khăn của khu vực nghiên cứu.

Từ những phân tích nêu trên ta thấy khu vực nghiên cứu có những thuận lợi và khó khăn sau:

* Thuận lợi:

- Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày.

- Quỹ đất sản xuất nông lâm nghiệp còn tương đối dồi dào nên việc quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng tương đối thuận lợi cho tương lai.

- Kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê là tập tục quen thuộc với người dân trong xã, đây cũng chính là một trong những điều kiện thuận lợi để tăng năng suất cây trồng.

* Khó khăn:

- Hệ thống trường lớp, trạm xá về cơ sở vật chất còn thiếu nhiều.

- Hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất gây khó khăn cho việc đi lại trong mùa mưa.

- Tình hình chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy ở đây vẫn còn xảy ra dẫn đến nguồn nước ngầm ngày một suy kiệt, hiện tượng xói mòn xảy ra nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

- Hầu hết các xã đã có trên 80% dân tộc tại chỗ, tuy cuộc sống có được nâng lên trong những năm gần đây, nhưng đời sống của người dân trong vùng nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao.

- Tuy hệ thống sông suối nhiều nhưng lượng nước vẫn không đủ để phục vụ sản xuất trong mùa khô.

- Công tác quản lý đất đai chưa được chặt chẽ, hiện tượng xâm canh và tranh chấp đất đai vẫn còn xảy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác lập cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất bền vững có sự tham gia trên địa bàn huyện krông buk đắk lắk​ (Trang 53 - 56)