Thời gian nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa đạng sinh học khu hệ động vật có xương sống nhằm đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn đối với một số loài động vật quan trọng tại vườn quốc gia cúc phương, ninh bình​ (Trang 50 - 51)

Bản thân học viên là người tổ chức và trực tiếp tiến hành các nghiên cứu khảo sát về từng nhóm động vật có xương sống được thực hiện tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình từ năm 1997 đến nay. Thời gian nghiên cứu cụ thể cho từng nhóm như sau:

 Từ tháng 9 năm 1997 đến tháng 1 năm 1999 thực hiện hai đề tài nghiên cứu: “Khảo sát điều tra về Cá ở Cúc Phương” [36] và “Khảo sát điều tra về Lưỡng cư ở Cúc Phương” thuộc Dự án Bảo tồn Cúc Phương [37].

 Từ tháng 2 năm 1999 đến tháng 4 năm 2000 thực hiện đề tài nghiên cứu: “Khảo sát điều tra về Bò sát ở Cúc Phương” thuộc Dự án Bảo tồn Cúc Phương [38].

 Từ tháng 5 năm 2000 đến tháng 12 năm 2006 thực hiện dự án “Điều tra bổ sung danh lục và xây dựng tiêu bản Động thực vật rừng Cúc Phương giai đoạn 2000 - 2006” [21] thuộc chương trình 661. Trong đó:

- Từ tháng 5 năm 2000 đến tháng 12 năm 2001 thực hiện nghiên cứu “Khảo sát điều tra về Chim ở Cúc Phương” [39].

- Từ tháng 1 năm 2002 đến tháng 12 năm 2002 thực hiện nghiên cứu “Khảo sát điều tra về Thú, tập trung vào hai nhóm Dơi và Gặm nhấm ở Cúc Phương” [40].

- Từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 4 năm 2006 là thời gian thu thập phân loại, bổ sung bộ mẫu tiêu bản cho bảo tàng và hoàn thiện danh lục khu hệ động vật có xương sống của Cúc Phương [21].

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Có thể nói kể từ thành lập Vườn đến nay lần đầu tiên khu hệ động vật có xương sống được nghiên cứu toàn diện và đã thu được một kết quả tương đối đầy đủ phản ánh được mức độ và giá trị về đa dạng sinh học động vật giới Cúc Phương. Do vậy, hiểu biết về khu hệ động vật có xương sống mới đã được bổ sung, thông tin đã được cập nhật một cách đầy đủ và chính xác hơn.

Qua các nghiên cứu chúng tôi đã phát hiện thêm rất nhiều loài chưa được ghi nhận trước đây. Ngoài ra, cũng đã loại ra khỏi danh lục một số loài không phải bản địa hoặc do định loại nhầm đã được ghi nhận trước đây.

Một khối lượng lớn tiêu bản và hình ảnh (trên 500 mẫu vật và 200 ảnh chụp) đã được thu thập, trong đó đã hoàn thiện 370 tiêu bản các loài động vật có xương sống bổ sung cho bộ tiêu bản ở Bảo tàng Khoa học của Vườn.

Danh lục mới về khu hệ động vật có xương sống của Cúc Phương đã được ghi nhận hiện nay tổng cộng có 657 loài kèm với các thông tin cơ bản về tình trạng, phân bố và mức độ phong phú, quý hiếm của từng loài. Trong số này có: 133 loài Thú , 336 loài Chim, 76 loài Bò sát, 46 loài Lưỡng cư và 66 loài Cá.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa đạng sinh học khu hệ động vật có xương sống nhằm đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn đối với một số loài động vật quan trọng tại vườn quốc gia cúc phương, ninh bình​ (Trang 50 - 51)