4.4.2.1. Rà soát năng lực, hiệu quả của các công trình chuyển đổi
Rà soát, đánh giá hiệu quả (kinh tế, xã hội, môi trường) của các công trình chuyển đổi. Từ cơ sở rà soát, thiết kế quy hoạch hợp lý và khoa học: tiếp tục hoặc thu hồi giấy phép đầu tư, buộc dừng hoặc cho thực hiện tiếp dự án, tạo tiền đề cho những bước quy hoạch tiếp theo.
Thường xuyên theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ đối với những hoạt động của các công trình chuyển đổi để đưa quyết định buộc dừng, thu hồi giấy phép đầu tư với các công trình không phù hợp.
4.4.2.2.Rà soát năng lực quản lý của các chủ rừng
Rà soát tình hình quản lý, sử dụng rừng trên văn bản và thực tế đối với tất cả các chủ rừng. Ưu tiên rà soát đối với diện tích UBND xã đang tạm thời quản lý, lập kế hoạch giao đất giao rừng đối với diện tích này cho cộng đồng thôn bản hoặc các hộ gia đình.
Xác định nhu cầu, năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia nhận đất, rừng để làm cơ sở cho công tác giao đất giao rừng được thực hiện đúng với khả năng quản lý của các chủ rừng, mang lại hiệu quả cao.
4.4.2.3. Tập huấn nâng cao năng lực
Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật trồng, kiểm tra, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân, đặc biệt là các chủ rừng, các cán bộ lâm nghiệp tại các huyện, xã và thôn. Nâng cao năng lực quản lý, quy hoạch cho các cán bộ cấp huyện, xã.
4.4.2.4. Định kỳ kiểm kê rừng
Cần kiểm kê diện tích rừng cụ thể của tất cả các chủ rừng trước khi tổ chức giao khoán để khắc phục tình trạng chênh lệch giữa diện tích, ranh giới, chất lượng rừng thực tế với trên giấy tờ.
Đối với chủ rừng là các tổ chức nhà nước, cần có kế hoạch chủ động thực hiện kiểm kê, ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám để xác định ranh giới. Đối với diện tích các chủ rừng này quản lý, đặc biệt là diện tích thuộc
quản lý của các công ty lâm nghiệp, sau khi thực hiện đổi mới, cần phải giao lại cho cộng đồng và người dân địa phương quản lý sử dụngtheo Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật mới hướng dẫn của các bộ, ngành.
Tỉnh tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng lâu dài và ổn định theo quy định của pháp luật cho các cá nhân, tổ chức được giao rừng để họ thực sự có thể làm chủ mảnh đất được giao.
Các cấp quản lý huyện, xã, hạt kiểm lâm có cơ chế phản hồi các khiếu nại, vướng mắc, sai lệch của công tác giao đất giao rừng.
Tận dụng lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư giao đất, giao rừng để triển khai được nhanh chóng.
4.4.2.5. Tăng cường năng lực thực thi pháp luật
Giảm tính hình thức, cảm tính; Xử lý nghiêm và kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật bảo vệ rừng.
- Thành lập hoặc củng cố và ban hành quy chế hoạt động của Ban Kiểm tra liên ngành, bao gồm Kiểm lâm, Công an, Địa chính, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương để kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và xử lý các vụ vi phạmvề khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp, các vụ xâm lấn trái phép rừng và đất lâm nghiệp để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Đặc biệt có hình thức kiểm soát đầu vào của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.
- Có sự phối hợp với chính quyền nước Lào để triển khai kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ qua biên giới hai nước tại các vùng giáp ranh.
- Đối với các văn bản pháp luật liên quan đến rừng và đất rừng: cần được rà soát để xác định những bất cập, tồn tại để trình các cấp xem xét, chỉnh sửa bổ sung, đặc biệt là các chế tài xử lý vi phạm, hướng tới hệ thông pháp chế dễ
áp dụng, phù hợp với thực tế và đủ tính răn đe. Các văn bản pháp luật mới cần thường xuyên được cập nhật và phổ biến.
4.4.2.6. Có cơ chế phối hợp liên ngành về quản lý rừng
- Có sự đồng nhất về phân chia và quản lý các diện tích rừng giữa các ngành lâm nghiệp và tài nguyên môi trường… để hướng tới bản quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể: quy hoạch về lâm sinh, quy hoạch về khoanh nuôi bảo vệ, lâm nghiệp xã hội…
- Có cơ chế phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, các hội nghề nghiệp…trong việc tuyên truyền và thực hiện, giám sát, đánh giá các giải pháp giảm mất rừng và suy thoái rừng.
- Xây dựng quy chế phối hợp phòng chống cháy rừng liên ngành, liên tỉnh; Tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng cấp xã/huyện và liên huyện.