Nhóm yếu tố kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất lúa nếp khẩu tan đón theo hướng bền vững tại huyện văn bàn (Trang 66 - 68)

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.2.2. Nhóm yếu tố kinh tế xã hội

3.2.2.1. Cơ sở hạ tầng

* Giao thông

Là một huyện vùng cao, địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh vì vậy việc đi lại của các xã trong huyện gặp rất nhiều khó khăn.

Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các công trình giao thông vận tải đã và đang được đầu tư sửa chữa cũng như làm mới. Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống đường giao thông liên xã còn kém phát triển, đường ô tô đến được trung tâm xã nhưng đi lại còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Hệ thống đường liên xã hiện nay chủ yếu là đường cấp phối (tổng chiều dài 73,89 km) và đường đất lớn (tổng chiều dài 34,24 km), bề rộng mặt đường từ 3 - 5 m, độ dốc lớn. Nền đường chưa đảm bảo cho các phương tiện giao thông đi lại. Hệ thống đường liên thôn chủ yếu là đường mòn nhỏ hẹp.

Đường trục huyện có 34 km, trong những năm qua đã được đầu tư sửa chữa và nâng cấp, đến nay cơ bản đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ đi lại của người dân, kể cả trong mùa mưa.

* Thủy lợi, nước sinh hoạt

Toàn huyện có 82 công trình thủy lợi, trong đó có 45 công trình kiên cố và 37 công trình tạm. Các công trình này chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu tưới cho 50 - 55% tổng diện tích (công suất tưới trung bình của mỗi công trình khoảng 5 - 10 ha). Chính vì vậy việc thâm canh tăng vụ gặp rất nhiều khó khăn.

Văn Bàn hiện có nhiều xã được hưởng lợi từ chương trình 135. Toàn huyện có 67 công trình nước sinh hoạt với tổng dung tích bể chứa là 360 m3, cung cấp cho 6.536 nhân khẩu trong huyện (bằng 14,05% tổng dân số toàn huyện). Đa số các công trình này phục vụ cho các khu dân cư tập trung.

Hiện còn khoảng trên 1 vạn người thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; nhiều công trình thủy lợi bị cạn kiệt vào mùa khô. Nguyên nhân do rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề không còn khả năng giữ cũng như điều tiết nước (UBND huyện Văn Bàn, 2018).

3.2.2.2. Tập quán canh tác

Tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ theo dạng kinh tế hộ, chưa đầu tư ứng dụng mạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật… dẫn đến chi phí sản xuất cao. Mặt khác, là giống cây bản địa, đặc sản riêng có tại Văn Bàn nhưng các nông hộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất; Mặc dù đã có đã có nhiều tiến bộ KHKT nhưng hiện nay hình thức trồng lúa vẫn theo quy mô hộ gia đình, canh tác theo phong tục tập quán, kinh nghiệm dân gian mà chưa có quy trình kỹ thuật cụ thể.

3.2.2.3. Tác động thị trường

Theo ghi nhận từ thống kê các năm, nhận thấy rằng lúa Khẩu Tan Đón tuy từ lâu được coi là đặc sản của Thẩm Dương, Văn Bàn nhưng hầu như chưa có sản phẩm và thị trường.

Hiện nay, diện tích trồng Khẩu Tan Đón tăng lên đáng kể và thì trường lúa gạo đã dần hình thành. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ cũng không cố định, ngoài những thị trường truyền thống, mỗi năm sản phẩm gạo Khẩu Tan Đón của huyện cũng được đưa ra các huyện khác nhưng hầu như chưa biết tiếng tăm của sản phẩm. Đây là một điều hết sức bất lợi trong việc tạo dựng thương hiệu và lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm đặc sản của huyện vùng cao tỉnh Lào Cai này.

3.2.2.4. Tác động của chính sách

Qua điều tra và tổng hợp thông tin từ phiếu điều tra chúng tôi được biết hiện nay trên địa bàn huyện Văn Bàn chưa có một tổ chức nào đứng ra quản lý chất lượng cũng như kiểm soát quá trình lưu thông sản phẩm ngoài thị trường sản phẩm gạo Khẩu Tan Đón.

Khi được hỏi về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thì những hộ nông dân trồng lúa hầu như không có chút kiến thức nào về thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ có một số ít những cá nhân, hộ gia đình tham gia quá trình kinh doanh sản phẩm đã từng nghe đến việc đăng ký thương hiệu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất lúa nếp khẩu tan đón theo hướng bền vững tại huyện văn bàn (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)