Như đã phân tích ở chương 2, công tác quản lý thu nợ và thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế nên trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của công tác thu nợ cũng như công tác thanh kiểm tra thì cần phải thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường các biện pháp quản lý nợ, thực hiện tốt quy trình quản
lý nợ, cưỡng chế nợ thuế.
Thứ hai, kiên quyết xử lý các khoản nợ đang chờ xử lý, nợ sai sót và nợ đã
nộp vào ngân sách chờ điều chỉnh để giảm hai chỉ tiêu này xuống mức thấp nhất.
Thứ ba, thực hiện rà soát 100% các doanh nghiệp nợ đọng, thường xuyên đối
chiếu số nợ nhằm tránh sai sót, nợ ảo; đối với số nợ không còn đối tượng thu (bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản) thì lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền khoanh nợ, xoá nợ; đối với các khoản nợ thông thường thì phát hành 100% thông báo đến đối tượng nợ bằng biện pháp gọi điện, mời lên làm việc; nếu không nộp vì chây ỳ thì thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng cách trích, phong tỏa các tài khoản; thu hồi hóa đơn…
Thứ tư, cần theo dõi chặt chẽ sự biến động thường xuyên của các khoản nợ
thuế, phân tích, đánh giá và phân loại nợ đúng theo tính chất để có kế hoạch thu nợ hiệu quả hoặc kiến nghị xử lý theo quy định. Đồng thời tăng cường nguồn nhân lực cho công tác thu nợ vì đây là công tác quan trọng tại thời điểm hiện tại khi NSNN đang khá căng thẳng.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tại bàn, đảm bảo thực hiện
kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại bàn, kịp thời phát hiện những sai sót về việc kê khai thuế của người nộp thuế. Đồng thời, sau khi kiểm tra thuế tại bàn phải lập bảng kê liệt kê các đơn vị đã kiểm tra, đơn vị có dấu hiệu vi phạm để kịp thời đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Ngoài ra, tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống thanh tra, kiểm tra như đưa ra tiêu chuẩn cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý nợ thuế nhưng ưu tiên bổ sung lực lượng cán bộ trẻ, có năng lực và chịu được áp lực.
Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo cán bộ thanh tra, kiểm tra nhằm nâng
cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Xây dựng các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức, cán bộ để đánh giá hiệu quả và chất lượng công việc.
Thứ bảy, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu người nộp thuế phục vụ
hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra. Hệ thống cơ sở dữ liệu cần đảm bảo cung cấp các nội dung liên quan đến NNT như: thông tin chung về người nộp thuế, tình hình sản xuất kinh doanh và kê khai nộp thuế, tình hình tuân thủ pháp luật của người nộp thuế... Để làm được điều đó cần tổ chức thu thập số liệu một cách khoa học, đảm bảo chất lượng thông tin, nguồn thông tin đảm bảo.