Kinh nghiệm của Malaysia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại việt nam001 (Trang 35 - 40)

8. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.4.2. Kinh nghiệm của Malaysia

Hứng chịu suy giảm kinh tế mạnh từ 1997- 1998 và để giải quyết bài toán nợ xấu nhức nhối tại quốc gia mình, giải pháp Chính phủ Malaysia đã thực hiện để giải quyết nợ xấu chính là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) - một công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Theo đó, vào tháng 6/1998, Malaysia đã thành

lập ra Danaharta - một AMC, với nhiệm vụ chính là loại bỏ các khoản nợ xấu khỏi bảng kế toán của các định chế tài chính với mức giá hợp lý và tối đa hóa giá trị có thể phục hồi của các khoản nợ. Hoạt động này giúp cho các TCTC thoát khỏi gánh nặng nợ đang ngăn cản chức năng trung gian tài chính.

Danaharta đã thành công trong việc xử lý các khoản nợ xấu. Danaharta đã mua 23,1 tỷ Ringgit Malaysia, tương đương 31,8% nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đưa nợ xấu của Malaysia về khoảng 12,4% vào giữa năm 2009.

Việc mua bán nợ được thực hiện trong vòng 6 tháng, nhanh hơn cả mục tiêu đề ra. Các TCTC chấp nhận lỗ khi bán nợ cho AMC. Mức chiết khấu bình quân là 57%, tức là các ngân hàng buộc phải chấp nhận mất hơn nửa các khoản nợ. Sau khi thực hiện bán nợ cho AMC, các tổ chức này có thể tập trung vào hoạt động trung gian tài chính của mình.

Bước thứ hai của Danaharta là quản lý tài sản, bước vô cùng quan trọng vì Danaharta phải cân bằng các mục tiêu: không thở thành “nhà kho” của nợ xấu, tối đa hóa giá trị phục hồi, không làm rối loạn thị trường khi bán ra các tài sản và tạo ra lợi nhuận trên vốn.

Danaharta thiết lập một cơ chế minh bạch và rõ ràng trong việc xử lý các tài sản, chỉ định các chuyên gia quản lý và xem xét các chuyên viên này, cơ chế chào bán mở và được thực hiện bởi các hãng chuyên nghiệp. Bên cạnh Danaharta, Malaysia còn lập ra Danamodal, một công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Danamodal đã bơm 6,4 tỷ Ringgit Malaysia vào 10 TCTC để loại bỏ đi rủi ro hệ thống trong ngành ngân hàng. Kết quả, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) tăng lên 12,7%.

Song hành với việc bơm vốn là việc các cổ đông ngân hàng chấp nhận việc giảm cổ phần trong TCTC, thay đổi hội đồng quản trị, ban lãnh đạo. Danamodal chỉ định đại diện vốn trong các TCTC để giám sát quản lý một cách cẩn thận và tiến hành những thay đổi cần thiết. Ngoài ra, Malaysia còn đưa ra kế hoạch sáp nhập 58 TCTC vào 6 nhóm. Kế hoạch này được sự hỗ trợ của NHTW Malaysia và được

thực hiện dựa trên những cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong lĩnh vực tài chính.

Sau khi tiến hành các bước trên, Malaysia đã tập trung xây dựng thị trường trái phiếu để tránh cho việc thị trường tài chính bị mắc kẹt trong nợ xấu. Một số chính sách thực hiện thúc đẩy thị trường trái phiếu: (1) Đơn giản quy trình đăng ký phát hành trái phiếu để các doanh nghiệp có thể phát hành nhiều loại trái phiếu theo mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, các loại trái phiếu với kỳ hạn dài; (2) Tập trung phát triển thị trường repo và mở rộng đối tượng khách hàng; (3) Kế hoạch dài hạn phát triển để thị trường trái phiếu sôi động với nhiều nhà phát hành, nhà đầu tư, trung gian tài chính; (4) Bảo hiểm cho thị trường trái phiếu để hỗ trợ hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp.

1.4.3. Kinh nghiệm của Thái Lan

Là nước bắt nguồn và cũng là nước chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, khu vực ngân hàng của Thái Lan hoàn toàn bị phủ trong gam màu tối. Nợ xấu của khu vực ngân hàng liên tục gia tăng, đạt mức cao kỷ lục 46% trên tổng dư nợ tín dụng vào cuối năm 1997 và đã tạo áp lực lớn cho Chính phủ phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp kịp thời. Trước tình hình này, Thái Lan đã tiến hành xử lý nợ xấu bằng 03 giải pháp cơ bản bao gồm bơm vốn trực tiếp, công ty quản lý tài sản AMC và trung gian tái cơ cấu nợ, trong đó AMC là một giải pháp mà Thái Lan đã áp dụng khá hiệu quả từ thời kỳ khủng hoảng cho đến nay.

Quá trình xử lý nợ xấu của Thái Lan dựa trên các AMC có thể chia thành 02 thời kỳ: Phân tán và tập trung, với mô hình phân tán có sự tham gia của cả AMC sở hữu nhà nước và các AMC sở hữu bởi ngân hàng tư nhân, được áp dụng lần lượt năm 1998 và 1999; còn mô hình AMC tập trung dựa trên sự thành lập của Công ty quản lý tài sản Thái Lan (TAMC) vào năm 2001. Các cơ chế của AMC có nhiều điểm khác nhau ở nguồn gốc tổ chức, điều khoản và điều kiện các tài sản chuyển giao.

AMC phân tán – kết hợp giữa định hướng nhà nước và định hướng thị trường

Được áp dụng theo cách mỗi ngân hàng thành lập AMC riêng và nợ xấu của các ngân hàng sẽ được chuyển sang những AMC đó. Đối với khu vực nhà nước, các AMC sau khi thành lập sẽ phát hành trái phiếu được đảm bảo bởi Quỹ phát triển các định chế tài chính (FIDF) để mua nợ xấu từ các ngân hàng và trái phiếu không bán hết sẽ được FIDF mua lại, còn nợ xấu sẽ được bán ra ngoài thị trường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng đối với khu vực tư nhân, sau khi nợ xấu được chuyển xuống các AMC trực thuộc theo giá thị trường hoặc giá trị sổ sách ròng, ngân hàng sẽ thuê các công ty quản lý tài sản nước ngoài thực hiện quản lý các tài sản của AMC với mức phí từ 2 – 5% trên giá trị tài sản ròng.

Tuy nhiên, mô hình AMC phân tán đã không thành công khi mà nợ xấu ở các AMC của ngân hàng tư nhân gần như không xử lý được, thậm chí mức an toàn vốn mà các ngân hàng phải duy trì đã tăng lên gấp đôi. Trong khi đó ở các ngân hàng nhà nước, mục tiêu chủ yếu của chuyển hóa tài sản là cơ cấu lại nguồn vốn ngân hàng chứ không trọng tâm vào tối đa hóa giá trị hoàn lại của các khoản nợ xấu.

AMC tập trung – theo định hướng nhà nước

Hội đồng thành viên của TAMC bao gồm ủy ban kiểm toán và các thành viên bên ngoài. Cơ chế hoạt động của TAMC xuất phát từ nguồn vốn hoạt động chủ yếu do phát hành trái phiếu chiếm 96%, còn lại 0,4% là hỗ trợ từ Chính phủ. TAMC thực hiện phát hành trái phiếu có thời hạn 10 năm với sự đảm bảo của FIDF để mua nợ xấu. Tài sản được chuyển giao sẽ được định giá theo giá trị tài sản bảo đảm. Việc xử lý nợ xấu sẽ dựa trên nguyên tắc chia sẻ lời - lỗ giữa TAMC và các TCTD bán nợ.

Hầu như nợ xấu của các ngân hàng chuyển sang TAMC quản lý đều đến từ các doanh nghiệp bất động sản và sản xuất. Đối với các khoản vay có thế chấp không còn khả năng trả nợ, TAMC thực hiện tịch thu tài sản thế chấp và bán thanh lý để hoàn phần vốn vay dựa trên nguyên tắc chia sẻ lời - lỗ. Đối với các khoản vay mà TAMC nhận thấy còn khả năng trả nợ, TAMC đã chủ động phối hợp với các cơ

quan đại diện cho các khu vực kinh tế để đưa ra các giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực đó, tạo nguồn vốn trả nợ. Các giải pháp điển hình lần lượt được thực hiện khá toàn diện theo thứ tự ưu tiên như sau:

− Đối với các khoản vay thuộc ngành bất động sản: TAMC đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Nhà ở quốc gia để chọn lọc các dự án còn nhiều tiềm năng và cơ quan này sẽ hỗ trợ phát triển và quản lý bán dự án; riêng vấn đề nguồn vốn đầu tư cho dự án, TAMC làm việc với hai TCTD là BankThai và Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ để cung cấp tài chính cho các dự án trên phát triển, hoàn thiện và bán ra thị trường trong thời gian ngắn nhất có thể.

− Đối với các khoản nợ trong khu vực sản xuất: TAMC tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu của 13 nhóm mục tiêu của Chính phủ, trong đó đặt trọng tâm vào các ngành thiết yếu phát triển kinh tế cũng như mang lại những cơ hội việc làm và giá trị kinh tế cao, với ưu tiên hàng đầu là ngành công nghiệp sắt thép. TAMC làm việc với Viện sắt thép Thái Lan đưa ra các giải pháp phù hợp như hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật để các doanh nghiệp trong tình trạng khó trả nợ sáp nhập với nhau nhằm tăng quy mô, nguồn lực và phát triển sản xuất.

− Đối với các doanh nghiệp vay nợ đang giao dịch trên sàn chứng khoán Thái Lan, TAMC phối hợp với đơn vị này để phát triển các kế hoạch tái cơ cấu và khôi phục lại giá trị cổ phiếu một số doanh nghiệp dẫn đầu ngành, qua đó sẽ có hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ hơn thuộc ngành đó.

Trong khi AMC phân tán hầu như chỉ xử lý được nợ xấu với tỷ lệ rất nhỏ thì với AMC tập trung, tính đến tháng 6/2003, số nợ xấu được TAMC giải quyết là 784,4 tỷ Baht, đạt 73,46% tổng số nợ cần xử lý. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Thái Lan giảm rõ rệt xuống 12,9% năm 2003, 10% năm 2004 và được kiểm soát ổn định từ năm 2005 đến nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại việt nam001 (Trang 35 - 40)