Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại việt nam001 (Trang 33 - 35)

8. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.4.1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Tính đến năm 1998, nợ xấu của toàn bộ hệ thống tài chính Hàn Quốc lên tới 118 ngàn tỷ Won, bằng 18% tổng dư nợ (tương đương khoảng 27% GDP của Hàn Quốc năm 1998), trong đó có 42% là nợ quá hạn từ 3 – 6 tháng, và 58% là nợ quá hạn trên 6 tháng.

Để giải quyết lượng nợ xấu khổng lồ, Chính phủ Hàn Quốc đã cải tiến lại chức năng và nhiệm vụ của Công ty Quản lý Tài sản Hàn Quốc (KAMCO), vốn là một công ty quản lý tài sản nợ thuộc Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB). KAMCO được sở hữu bởi ba đơn vị: Bộ Tài chính và Kinh tế (đóng góp 42,8% vốn), KDB (28,6% vốn), và các định chế tài chính khác (28,6% vốn). Công ty này được vận

hành bởi một Uỷ ban gồm các đại diện đến từ Bộ Tài chính và Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Ngân sách, Uỷ ban Giám sát tài chính, Hiệp hội các ngân hàng, Công ty bảo hiểm tiền gửi KDB và ba chuyên gia độc lập (một luật sư, một chuyên gia kiểm toán, và một chuyên gia kinh tế).

Về phần mình, KAMCO ưu tiên mua các khoản nợ dễ dàng chuyển giao quyền thu nợ, các khoản nợ có thể giúp các tổ chức tài chính (TCTC) khôi phục lại hoạt động và lòng tin trước công chúng. Quy trình đánh giá khoản vay được tiến hành kỹ lưỡng nhằm bảo đảm các khoản nợ được mua không những hỗ trợ được các TCTC mà còn mang lại hiệu quả hoạt động của KAMCO. Các khoản nợ do KAMCO mua lại được chia thành 6 nhóm: nợ thông thường có bảo đảm (chiếm 17,9% tổng tiền), nợ thông thường không có bảo đảm (5,8%), nợ đặc biệt có bảo đảm (32,2%), nợ đặc biệt không có bảo đảm (10,6%), nợ của tập đoàn Daewoo (32%) và nợ được gia hạn lại (1,5%) với mức giá so với giá trị khoản vay tương ứng là 67%, 11,4%, 47,4%, 29%, 35,9% và 23,1%. Khoản nợ xấu được định giá dựa trên khả năng thu hồi nợ, tài sản bảo đảm và phương pháp định giá linh hoạt theo từng thời kỳ. Tổng cộng, KAMCO đã bỏ ra 39,7 nghìn tỷ Won, chiếm tới 36% giá trị các khoản vay, để mua các khoản nợ xấu từ năm 1997 đến 2002.

Sau khi đã mua lại nợ xấu, KAMCO tiến hành chứng khoán hoá chúng dựa trên tài sản bảo đảm của khoản vay hoặc bán cho các nhà đầu tư thông qua đấu giá quốc tế cạnh tranh. Luật Chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản đã được ban hành để thúc đẩy việc bán nợ cho các công ty có chức năng chứng khoán hóa các khoản nợ xấu và bán lại cho các nhà đầu tư. Hàn Quốc đã rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào xử lý nợ xấu thông qua mua các trái phiếu được bảo đảm bằng các khoản nợ xấu cũng như mua các khoản nợ xấu thông qua đấu giá. Chính sự thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào các chứng khoán cũng như các khoản nợ xấu này. Bên cạnh đó, KAMCO cũng tịch thu tài sản thế chấp của các khoản nợ có đảm bảo để bán thu hồi lại tiền. KAMCO nắm giữ các khoản nợ xấu và cố gắng tái cơ cấu nợ, tái tài trợ hay chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nếu công

ty đó có khả năng hồi phục, giảm lãi suất, giãn nợ… Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như truy đòi lại chủ nợ ban đầu của khoản nợ xấu, bán khoản nợ cho các công ty quản lý tài sản, công ty tái cơ cấu doanh nghiệp để mua lại cổ phiếu của các công ty này và tiến hành tái cơ cấu lại hoạt động của công ty… Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2002, KAMCO đã thu hồi được 30,3 nghìn tỷ Won, tương ứng với tỷ lệ thu hồi là 46,8% trên giá trị khoản nợ.

Có thể nói, những hành động quyết đoán của KAMCO trong giai đoạn đầu đã giúp cho các công ty mua bán nợ tư nhân của Hàn Quốc mạnh dạn hơn tham gia vào thị trường. Nếu như năm 1997, toàn bộ giá trị các thương vụ mua bán nợ xấu tại Hàn Quốc đều do KAMCO tiến hành thì con số này giảm xuống còn 58,15% vào năm 1998 và 2,81% vào năm 2000. Chính nhờ có sự tham gia của các công ty mua bán nợ tư nhân mà nợ xấu của Hàn Quốc đã giảm mạnh từ 17% tổng dư nợ vào tháng 3/1998 xuống còn 2,3% vào cuối năm 2002.

Không dừng lại ở đó, để khuyến khích khả năng bán các khoản nợ xấu, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành những luật thuế đặc biệt - một số đã tỏ ra rất có hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định như: (1) Giảm thuế trên thặng dư vốn: Thặng dư vốn thu được từ việc chuyển đổi các tài sản sở hữu bởi các TCTC như KAMCO đều được giảm 50% thuế; (2) Tính vào chi phí: Khi TCTC có số nợ xấu nhiều hơn mức dự phòng mất vốn, TCTC được phép bù phần nhiều hơn đó với dự phòng định giá lại tài sản và phần bù đó được tính vào chi phí khi tính thu nhập chịu thuế của TCTC; (3) Miễn giảm thuế giao dịch chứng khoán: Khi KAMCO hay TCTC nào mua cổ phiếu của các TCTC mất khả năng thanh toán để cơ cấu lại tổ chức này và chuyển đổi lượng cổ phiếu đó cho bên thứ ba sẽ được miễn giảm thuế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại việt nam001 (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)