Chứng khoán hoá các khoản nợ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại việt nam001 (Trang 99 - 101)

8. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

3.3.7. Chứng khoán hoá các khoản nợ

Hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xấu tại các ngân hàng ở Việt Nam tuy còn rất mới mẻ, nếu không muốn nói là “xa lạ” khi chưa được triển khai, nhưng lại hoàn toàn là một phương thức nên thử nghiệm để hướng đến một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa và giúp có thêm một bước tiến xa hơn trong quá trình xử lý bài toán nợ xấu. Đối với hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu, các nhà đầu tư không hề quan tâm đến quyền sở hữu nợ xấu mà cái họ quan tâm là về rủi ro và lợi nhuận thu được. Do đó, giá trị các khoản chứng khoán này phụ thuộc vào nhà phát hành, tỷ lệ phục hồi của nợ và các quy định pháp lý liên quan. Các chứng khoán sau khi được phát hành có thể được giao dịch trên thị trường tự do phi tập trung hoặc thậm chí là niêm yết để giao dịch trên sàn chứng khoán chính thức.

Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu không phải là một hoạt động quá phức tạp và xa vời tầm với của các ngân hàng. Để vận hành hoạt động này, các ngân hàng cần phải tự mình xây dựng bên cạnh có thêm những yếu tố cơ bản hỗ trợ, bao gồm: một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện về chứng khoán hoá; thị trường vốn phát triển và sự ưa chuộng, cũng như am hiểu các sản phẩm chứng khoán hoá của các nhà đầu tư; hệ thống dữ liệu lịch sử về các khoản tín dụng và tài sản bảo đảm phải đầy đủ và minh bạch; áp dụng các biện pháp bảo đảm cho chứng khoán phát hành và nâng cao khả năng xử lý những rủi ro phát sinh trong quá trình chứng khoán hoá; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tốt và am hiểu về kỹ thuật để vận hành hiệu quả công cụ chứng khoán hoá.

Trong các hình thức chứng khoán hoá, loại chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp bất động sản chính là những sản phẩm đầu tiên của kỹ thuật chứng khoán hoá và cho đến nay chúng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường chứng khoán tại các nước, cũng như luôn giữ vị thế là sản phẩm mang tính kinh điển của kỹ thuật chứng khoán hoá, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Kết hợp với các đặc thù trong nước, khi mà cho vay có đảm bảo bằng bất động sản luôn chiếm tỷ trọng cao, thì sản phẩm chứng khoán hoá các khoản nợ xấu có đảm bảo bằng bất động sản nên là giải pháp đầu tiên mà các ngân hàng tại Việt Nam lựa chọn để triển khai nghiệp vụ này. Một số nội dung tiền đề để chúng ta có thể tin rằng, nghiệp vụ chứng khoán hóa các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản trong thời gian tới có thể được thực hiện là: Từ năm 2013 đến nay, tín dụng bất động sản đã tăng bình quân 11,7%, thị trường bất động sản phục hồi; Thông tư 36 giảm tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150%, Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, các khoản cho vay bất động sản của các NHTM có thể phân thành: Cho vay mua nhà, cho vay sửa nhà, cho vay xây dựng chung cư – khu đô thị v.v. Đây là cơ sở để phân loại các khoản cho vay đồng nhất có tính giống nhau về đối tượng, thời hạn và lãi suất v.v, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa các khoản vay có thế chấp bằng bất động sản. Bên cạnh đó, một số các điều kiện khác như: Thị trường chứng khoán Việt nam đang ổn định

và phát triển; Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán nới rộng room cho các nhà đầu tư ngoại trên thị trường cổ phiếu; cuộc cải tổ ngân hàng theo Đề án 254 đã giảm từ 42 NHTM xuống còn 34 NHTM. Đây là các NHTM có đủ năng lực để thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa; hoạt động của CIC gần giống như chức năng hoạt động của một tổ chức định mức tín nhiệm và hoạt động của VAMC là định hướng tốt cho mô hình tổ chức chuyên trách (SPV) thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa.

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm trong quá trình thử nghiệm và vận hành hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu ở nhiều quốc gia thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc…kết hợp cùng với tham khảo trực tiếp mô hình triển khai sẽ là những nguồn tài liệu quý giá cho các ngân hàng trong việc ứng dụng công cụ chứng khoán hoá để xử lý nợ xấu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phòng ngừa và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại việt nam001 (Trang 99 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)