8. Cấu trúc luận văn
2.4.1. Kĩ năng đọc bản đồ
Quá trình đọc bản đồ là quá trình giải mã kí hiệu và tạo thành khái niệm về không gian, về quy luật phân bố, tính chất và đặc điểm của hiện tượng. Nói cách khác là qua bản đồ tạo hình ảnh thực tế khách quan. Xét theo đặc điểm tâm sinh lý chung thì quá trình đọc bản đồ đi từ nhìn bao quát chung đến mức độ đọc sâu dần rồi tạo thành hình ảnh rõ rệt của đối tượng trong tư duy. Quá trình đọc bản đồ cần phải xét theo 3 bước sau đây:
1) Nhìn bao quát lên bản đồ, hình ảnh trước tiên đập vào mắt người đọc, lôi cuốn sự chú ý của người đọc là các mảng màu lớn, các dạng chung của kí hiệu được thể hiện ở cận cảnh, đó chính là các yếu tố nội dung chính.
2) Đọc, nhận biết chi tiết và nội dung kí hiệu: Theo dõi sự phân bố của các kí hiệu điểm, tuyến tính, diện tích và chú ý tới các dấu hiệu chất lượng của các kí hiệu đó. Trình tự đọc ở đây có thể diễn ra như sau:
- Phân biệt ý nghĩa của các kí hiệu điểm, kí hiệu tuyến tính, kí hiệu diện tích (điểm dân cư, sông, rừng,…);
- Đọc từng kí hiệu, nhận biết sâu hơn về nội dung qua cấu trúc, kích thước, màu sắc,… của kí hiệu;
- Theo dõi sự phân bố của hiện tượng trên toàn lãnh thổ và nhận biết vị trí tương quan của các đối tượng, hiện tượng: giữa địa hình với thuỷ văn, với dân cư, với giao thông,… Nhận biết các dạng địa hình lãnh thổ (nếu bản đồ có phản ánh địa hình).
- Trong từng bước nhỏ trên đều có sự liên tưởng đến thực tế, đồng nhất hình ảnh trên bản đồ với hình ảnh thực tế.
3) Hiểu bản đồ sâu hơn, hay còn gọi là biết bản đồ: Trong quá trình này, người đọc bản đồ đã nhớ và tư duy được các nội dung trên bản đồ, liên kết các hình ảnh đó với các khái niệm địa lí đã học. Người đọc đã nhớ kí hiệu, nhớ vị trí hiện tượng và tìm ra nhanh trên bản đồ, đồng thời liên tưởng được hình ảnh đó trên thực tế.
Cả 3 bước trên đây thực chất là quá trình liên tục, sự phân chia chỉ mang ý nghĩa phương pháp. Muốn đọc được bản đồ, trước tiên người sử dụng phải học thuộc bảng chú giải, như bảng chữ cái. Việc đọc bản đồ có phương pháp là rất quan trọng vì nó giúp cho người đọc đạt được hiệu quả lớn nhất khi sử dụng bản đồ.
2.4.1.1. Đọc các đối tượng mặt bằng trên bản đồ
Thông thường thứ tự đọc các đối tượng mặt bằng trên bản đồ như sau: - Nhìn bao quát toàn bản đồ và chú ý đối tượng đang cần xét đến. Mục đích của nhìn bao quát là đánh giá đặc điểm chung của địa hình và mức độ ảnh hưởng của địa hình tới đối tượng đang xét. Trên cơ sở đó để xét đặc tính phân bố của hiện tượng trên nền địa hình.
- Cần trả lời các câu hỏi: Các yếu tố nội dung bản đồ được xét có ảnh hưởng gì đến yêu cầu đặt ra và ở mức độ nào, cần nghiên cứu sâu hơn hay không và theo hướng nào, cần đo tính những gì,…
- Khi cần xét hiện tượng kĩ hơn, cần đọc kĩ kí hiệu, đo khoảng cách, diện tích, chiều rộng, chiều dài,… của đối tượng, tức là tìm cơ sở để xét kĩ tính chất và đặc điểm của đối tượng.
- Nghiên cứu chung, phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận chung về đối tượng và xét đến mức độ ảnh hưởng của đối tượng đối với yêu cầu. Cần có biện pháp gì thêm, chú ý đến vấn đề gì khi thực hiện nhiệm vụ.
Đọc bản đồ không chỉ đơn thuần đọc trực tiếp các kí hiệu và nhận biết đối tượng trên bản đồ mà có thể thông qua những dấu hiệu gián tiếp để đọc các nội
dung bên trong, ví dụ thông qua thực vật để xét đoán chất đất, thông qua các nghề để đoán tiềm năng về tài nguyên. Muốn xét đoán được chính xác, cần phải có kinh nghiệm thực tế.
2.4.1.2. Đọc địa hình trên bản đồ
Bắt đầu từ việc đánh giá chung đặc điểm và tính chất địa hình lãnh thổ: đồng bằng, đồi, núi, mức độ cắt xẻ chung của bề mặt địa thế (lưới sông ngòi, mương xói, bờ lở,...). Muốn vậy cần xem dạng, mật độ các đường đồng cao, dạng lưới sông ngòi,…(trong phần biểu thị địa hình bằng đường bình độ). Sau khi xem xét bao quát chung, cần tiến hành nghiên cứu mối liên quan giữa địa hình với các bồn nước, các vùng trũng, hồ chứa nước, dòng chảy và hướng chảy của sông ngòi. Qua đó thấy được hướng đường phân thuỷ, chiều dài của các ranh giới tự nhiên, hướng thấp chung của địa thế, đồng thời việc giải thích quy luật và hệ thống phân bố chung của bề mặt địa thế cũng nhanh và đúng hơn. Dùng các độ cao ghi trên bản đồ, gián cách giữa các đường đồng cao để chứng minh cho những nhận xét đưa ra. Có thể lập sơ đồ sơn văn cho toàn lãnh thổ gồm: độ cao các đỉnh, dãy núi, các đường phân thuỷ, tụ thuỷ.
Khi có yêu cầu đọc địa hình sâu hơn và chi tiết hơn thì phải tiếp tục đọc chi tiết và đo đạc lấy số liệu cụ thể: các độ cao chủ yếu, chênh cao, độ dài và độ dốc các sườn dốc, kích thước và dạng địa hình… Khối lượng và mức độ chi tiết của việc đo đạc, tính toán các chỉ tiêu cần có hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.
2.4.1.3. Đọc một hành trình trên bản đồ
Bằng những hiểu biết về bản đồ, các nhà địa lí có thể nghiên cứu, mô tả một hành trình từ điểm này đến điểm khác trên bản đồ. Mô tả một hành trình bằng bản đồ rất có ích với những người làm công tác điều tra cơ bản, để chọn những tuyến khảo sát bổ ích nhất, tổ chức các tuyến tham quan, du lịch ngoại khoá cho học sinh, sinh viên. Mô tả hành trình bằng bản đồ còn giúp cho người đọc tìm hiểu về một tuyến hành trình mà không cần phải đến trực tiếp đến thực địa.
Thứ tự mô tả một hành trình như sau:
- Xác định điểm xuất phát và điểm kết thúc của hành trình;
- Chia hành trình ra nhiều đoạn (mỗi đoạn thường là có cùng một hướng hoặc từ điểm địa danh này đến điểm địa danh khác).
- Ở mỗi đoạn cần ghi rõ hướng đi bằng góc phương vị, chiều dài đoạn trên thực địa, độ dốc. Các đối tượng địa lí hai bên đường được mô tả tỉ mỉ cụ thể cả về độ lớn, hình dạng. Mô tả theo thứ tự: Đối tượng lớn, quan trọng, nổi bật mô tả trước; đối tượng nhỏ, ít quan trọng mô tả sau; gần trước, xa sau để phù hợp với thực tế và tính chất của đối tượng. Chú ý là chỉ mô tả những đối tượng mà trên đường đi có thể quan sát được.
- Sau khi đã mô tả xong cả tuyến nên có nhận xét chung về cả hành trình, nói rõ chiều dài của hành trình và những đặc điểm điển hình của nó.