2.2.2.1. Huy động vốn
Huy động vốn là nghiệp vụ truyền thống của các NHTM, góp phần hình thành nên nguồn vốn hoạt động của các NHTM. Có ba loại hình huy động vốn chủ yếu là: Tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm và phát hành giấy tờ có giá.
- Tiền gửi thanh toán: Đây là tiền gửi mà khách hàng gửi vào ngân hàng để nhờ giữ và thanh toán hộ.
- Tiền gửi tiết kiệm: Đây là công cụ huy động vốn truyền thống của các ngân hàng với rất nhiều kỳ hạn khác nhau, lãi suất khác nhau và được phân thành hai loại chủ yếu là:
+ Tiết kiệm không kỳ hạn: Là loại tiền gửi mà khách hàng có thể gửi nhiều lần và rút ra bất cứ lúc nào, lãi suất thấp hơn so với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
+ Tiết kiệm có kỳ hạn: Là loại tiền gửi được rút ra sau một thời gian nhất định, lãi suất khác nhau tùy theo kỳ hạn gửi tiết kiệm và cao hơn so với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
- Giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, ...): Là chứng nhận do ngân hàng phát hành để huy động vốn, trong đó xác nhận nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và các khoản cam kết khác giữa ngân hàng và người mua.
2.2.2.2. Hoạt động tín dụng bán lẻ
Hoạt động tín dụng bán lẻ của ngân hàng được chia thành hai hình thức chủ yếu là: cho vay có tài sản đảm bảo và cho vay không tài sản đảm bảo.
- Hoạt động tín dụng bán lẻ có tài sản đảm bảo: đây là hình thức tín dụng mà ngân hàng thực hiện cho vay với yêu cầu có tài sản đảm bảo từ bên đi vay. Hình
thức tín dụng này bao gồm các loại hình như cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, cho vay san xuất kinh doanh, cho vay du học,...
- Hoạt động tín dụng bán lẻ không có tài sản đảm bảo: đây là hình thức tín dụng mà ngân hàng thực hiện cho vay mà không cần có tài sản đảm bảo hoặc bên thứ ba bảo lãnh. Ngân hàng cấp tín dụng dựa trên uy tín của người vay. Hình thức tín dụng này bao gồm: cho vay sinh viên, cho vay thấu chi, cấp hạn mức thẻ tín dụng,...
2.2.2.3. Dịch vụ thanh toán
Dịch vụ thanh toán có hai hình thức cơ bản là thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế.
- Thanh toán trong nước bao gồm các kênh: thanh toán bù trừ, thanh toán từng lần qua NHNN, thanh toán song phương, thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán hóa đơn trên website của các nhà cung cấp ký hợp đồng với VietinBank,…
- Thanh toán quốc tế: được thực hiện thông qua các kênh như swift, kiều hối, western union,... trong đó, kênh swift là hình thức chuyển tiền quốc tế phổ biến hiện nay.
2.2.2.4. Dịch vụ thẻ
Thẻ ngân hàng là một sản phẩm tài chính cá nhân đa năng mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng. Có hai loại thẻ là: thẻ nội địa và thẻ quốc tế.
- Thẻ nội địa: Là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, được sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam. Khách hàng sử dụng tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để thanh toán hàng hóa hoặc rút tiền tại máy ATM.
- Thẻ quốc tế: Là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, được lưu hành trên toàn thế giới. Có hai loại thẻ quốc tế là: Thẻ ghi nợ quốc tế và thẻ tín dụng quốc tế.
+ Thẻ ghi nợ quốc tế: Là loại thẻ mà khách hàng sử dụng tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để thanh toán hàng hóa hoặc rút tiền tại máy ATM trên phạm vi toàn thế giới.
+ Thẻ tín dụng quốc tế: Là loại thẻ mà khách hàng sử dụng trên hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp dựa vào năng lực tài chính và uy tín của khách hàng.
2.2.2.5. Dịch vụ ngân hàng điện tử
Dịch vụ ngân hàng điện tử cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến thông qua các phương tiện như: điện thoại di động, máy vi tính,...có kết nối Internet. Căn cứ vào các hình thức thực hiện giao dịch, dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm:
- Internet Banking: Là dịch vụ cung cấp tự động các thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua đường truyền Internet.
- Mobile Banking: Là dịch vụ ngân hàng hiện đại, cho phép khách hàng sử dụng điện thoại di động để giao dịch với ngân hàng.
- Home Banking: Là dịch vụ cho phép khách hàng ở tại nhà hoặc tại nơi làm việc vẫn có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch ngân hàng như chuyển khoản, thanh toán qua tài khoản,... thông qua mạng Internet và phần mềm chuyên dùng mà ngân hàng cài đặt cho khách hàng.
- Phone Banking: Là hệ thống trả lời 24/24 của ngân hàng. Khách hàng có thể sử dụng điện thoại để nghe thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng và thông tin về tài khoản cá nhân.
- BSMS: Là dịch vụ nhắn tin qua điện thoại di động mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng về các thông tin như: số dư tài khoản, các giao dịch phát sinh trên tài khoản, lịch trả nợ, địa điểm đặt máy ATM,...
2.2.2.6. Một số dịch vụ ngân hàng bán lẻ khác
- Dịch vụ kiều hối, thu hộ, chi hộ, tư vấn tài chính, dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài sản,...
+ Dịch vụ kiều hối: Là dịch vụ ngân hàng phục vụ chuyển tiền của các cá nhân ở nước ngoài gửi tiền về cho các cá nhân trong nước.
+ Dịch vụ thu hộ, chi hộ: Là dịch vụ ngân hàng được chủ tài khoản ủy nhiệm thực hiện các dịch vụ thanh toán như: trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại,... dịch
vụ chi trả lương qua tài khoản, thu hộ tiền hàng hóa, dịch vụ cho các công ty theo hợp đồng đã ký kết với ngân hàng,...
+ Dịch vụ bảo hiểm: Ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tất cả các khách hàng thông qua các công ty con hoặc các đại lý bảo hiểm có liên kết với ngân hàng.
+ Tư vấn tài chính và cung cấp thông tin: Ngân hàng có mối quan hệ rộng với các đối tượng khách hàng khác nhau, do đó ngân hàng có kho dữ liệu về khách hàng, đồng thời, ngân hàng am hiểu sâu sắc về các nghiệp vụ tài chính ngân hàng, tiền tệ, vì vậy, ngân hàng có lợi thế to lớn trong việc tư vấn cho khách hàng như: tư vấn tài chính về cơ hội đầu tư (chứng khoán, vàng, tiền tệ,...), các dịch vụ của ngân hàng...
+ Cho thuê két sắt: Ngân hàng có nhiệm vụ bảo quản các đồ quý giá, cổ phiếu, hợp đồng bảo hiểm, các chứng thư tài sản, di chúc,... theo cam kết của khách hàng với ngân hàng.