Dạy học theo định hướng phát triển năng lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học từ hán việt cho học sinh lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực (Trang 25 - 31)

8. Cấu trúc của luận văn

1.1.2. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực

1.1.2.1. Khái niệm năng lực?

Khái niệm năng lực (competency) có nguồn gốc tiếng La tinh “competentia”. Ngày nay khái niệm năng lực được hiểu nhiều nghĩa khác nhau. Năng lực được hiểu như sự thành thạo, khả năng thực hiện của cá nhân đối với một công việc. Khái niệm năng lực được dùng ở đây là đối tượng của tâm lý, giáo dục học. Có nhiều định nghĩa khác nhau về năng lực. Năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm,

sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm.

Khái niệm năng lực gắn liền với khả năng hành động. Năng lực hành động là một loại năng lực, nhưng khi nói phát triển năng lực người ta cũng hiểu đồng thời là phát triển năng lực hành động. Chính vì vậy trong lĩnh vực sư phạm, năng lực còn được hiểu là: Khả năng thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề trong những tình huống khác nhau thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động.

Trong chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực, khái niệm năng lực được sử dụng như sau:

Năng lực liên quan đến bình diện mục tiêu của dạy học: mục tiêu dạy học được mô tả thông qua các năng lực cần hình thành.

Trong chương trình, những nội dung học tập và hoạt động cơ bản được liên kết với nhau nhằm hình thành các năng lực.

Mục tiêu hình thành năng lực định hướng cho việc lựa chọn, đánh giá mức độ quan trọng và cấu trúc hóa các nội dung và hoạt động và hành động dạy học về mặt phương pháp.

Năng lực mô tả việc giải quyết những đòi hỏi về nội dung trong các tình huống...

Các năng lực chung cùng với các năng lực chuyên môn tạo thành nền tảng chung cho công việc giáo dục và dạy học.

Mức độ đối với sự phát triển năng lực có thể được xác định trong các tiêu chuẩn nghề; đến một thời điểm nhất định nào đó, học sinh có thể phải đạt được những gì?

1.1.2.2. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực đang bám sát theo những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới (được Ban hành kèm theo thông tư 32/2018/TT-BGDĐT) và từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.

Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương

pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như: học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp... Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.

Cần sử dụng đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học môn học tối thiểu đã quy định. Có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm nếu xét thấy cần thiết với nội dung học và phù hợp với đối tượng học sinh. Tích cực vận dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học.

Việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực thể hiện qua bốn đặc trưng cơ bản sau:

Một, dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Giáo viên là người tổ chức và chỉ đạo học sinh tiến hành các hoạt động học tập phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...

Hai, chú trọng rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới... Định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo.

Ba, tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp giáo viên - học sinh và học sinh - học sinh nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.

Bốn, chú trọng đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập (đánh giá lớp học). Chú trọng phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh với nhiều hình thức như theo lời giải/đáp án mẫu, theo hướng dẫn, hoặc tự xác định tiêu chí để có thể phê phán, tìm được nguyên nhân và nêu cách sửa chữa các sai sót

(tạo điều kiện để học sinh tự bộc lộ, tự thể hiện, tự đánh giá).

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.

Ngoài đảm bảo quan điểm của chương trình phô thông mới chúng tôi xây dựng bài nghiên cứu khảo sát dành cho chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Nhằm hình thành và phát triển cho học sinh phẩm chất theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới như: phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Kết hợp hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung và năng lực riêng:

Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

Dạy học theo định hướng phát triển những năng lực cốt lõi giúp học sinh chủ động trong việc học tập, nghiên cứu tri thức, giúp các em tăng khả năng tư duy sáng tạo và khắc sâu kiến thức. Hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội và một số nội dung khác. Mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi.

1.1.2.3. Dạy học từ Hán Việt theo định hướng phát triển năng lực

Dạy học từ Hán Việt theo định hướng phát triển năng lực là cách giúp học sinh tiếp cận với kiến thức bằng chính năng lực của bản thân, chiếm lĩnh kiến thức về từ Hán Việt và cách sử dụng một cách chủ động và vận dụng sáng tạo vào từng tính huống thực tế cần học sinh xử lý. Xây dựng những giờ học bổ ích và lý thú, cuốn hút học sinh hơn vào các hoạt động để tìm tòi, khám phá kiến thức, phát triển theo đúng năng lực của cá nhân, không bị gò bó, ép buộc hoặc học vẹt. Học sinh được kiến tạo kiến thức thông qua việc tham gia vào việc học và tìm kiếm từ Hán Việt thông qua các hoạt động (chứ không tái hiện, lặp lại, sao chép, đợi một cách thụ động). Học sinh được tương tác với người khác thông qua bối cảnh thực, nội dung từ Hán Việt liên quan đến đời sống hiện tại của học sinh.

Dạy học từ Hán Việt theo định hướng phát triển năng lực gồm có các năng lực chung là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Do thời gian, điều kiện và nghiên cứu về dạy học từ Hán Việt đã góp phần giúp chúng tôi lựa chọn bốn kĩ năng để tập chung rèn luyện cho học sinh là năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo.

Môn Tiếng Việt ở tiểu học được phân chia thành các phân môn: Học vần, Tập đọc, Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu và Tập làm văn, Kể chuyện. Mỗi phân môn bên cạnh chức năng chung của môn học thường đảm nhận một mục đích chính. Phân môn Tập đọc nhằm phát triển kỹ năng đọc - hiểu; phân môn Tập viết - Chính tả hình thành kỹ năng viết chính tả (viết đúng chính tả, đúng tốc độ); phân môn Luyện từ và câu, kể chuyện trên cơ sở cung cấp kiến thức sơ giản về từ và câu nhằm giúp học sinh dùng từ, viết câu, đoạn văn đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt; phân môn Tập làm văn là phân môn thực hành tổng hợp nhằm rèn luyện kỹ năng tạo văn bản nói và viết cho học sinh.

Đối với các phân môn, mục tiêu cuối cùng của kỹ năng là hướng tới phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt cho người học - năng lực tiếp nhận lời nói và năng lực sản sinh lời nói. Dạy từ Hán Việt theo hướng phát triển năng lực chính là quá trình dạy học hướng tới hình thành và phát triển các năng lực sử dụng từ Hán Việt cho người học trong môi trường học tập và đời sống hàng ngày của học sinh. Cụ thể, với các tiết về từ vựng không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu học sinh tìm từ, thuộc từ, mà chưa hướng tới việc hiểu nghĩa từ (trong nhiều trường nghĩa khác nhau), cách sử dụng từ Hán Việt một cách linh hoạt trong nói và viết, giúp các em tăng vốn từ và khả năng dùng từ khi giao tiếp hoặc khi viết đoạn văn, bài văn.

Từ nhận thức trên, chúng ta cần có định hướng về tổ chức dạy học từ Hán Việt sao cho phát triển tốt nhất các năng lực sử dụng từ Hán Việt đối với học sinh tiểu học. Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

Dạy học từ Hán Việt theo định hướng phát triển năng lực thì ngoài việc phân loại được các nhóm đối tượng học sinh giúp giáo viên nghiên cứu để tìm ra phương pháp, hình thức dạy học hiệu quả phù hợp với các nhóm học sinh mà giáo viên còn có thêm động lực để đổi mới, nhiệt huyết với từ Hán Việt, tích cực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy từ Hán Việt, thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy. Giáo viên dành nhiều thời gian cho soạn bài, chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Biết động viên khích lệ học sinh, linh hoạt trong xử lý tình huống. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, rút kinh nghiệm qua từng giờ giảng, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh để mang lại hiệu quả cao trong từng bài giảng.

Dạy học theo phát triển năng lực giúp học sinh có những giá trị phát triển toàn diện, giúp học sinh không chỉ sẵn sàng cho những cấp học sau này mà còn trở thành những công dân toàn cầu của thế kỷ 21.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học từ hán việt cho học sinh lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực (Trang 25 - 31)