8. Cấu trúc của luận văn
1.1.3. Vai trò của từ Hán Việt
Hiện nay, từ Hán Việt trong hệ thống tiếng Việt có số lượng lớn nhất so với các từ gốc nước khác (từ mượn tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp,...). Vai trò của từ Hán Việt mang lại rất quan trọng với tiếng Việt kể cả về số lượng và chất lượng.
Lớp từ Hán Việt có mặt ở mọi cấp độ với các vai trò khác nhau. Chúng không chỉ dừng lại ở các từ ngữ mượn sẵn “nguyên khối” như: hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc,… hay các thành ngữ, tục ngữ như: tam tòng tứ đức,… mà chúng đã và đang tạo ra ngày một nhiều các từ Hán Việt mới theo mô hình cấu tạo từ của tiếng Việt (như ban trong ban bệ, ban chấp hành, uỷ ban). Các từ Hán Việt không chỉ gồm có các từ mang nghĩa mới mà còn có cả những từ mang khái niệm đã có từ Việt biểu hiện.
Từ Hán Việt được dùng trong giao tiếp hàng ngày và có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ hành chính và đặc biệt là trong hệ thống thuật ngữ tiếng Việt:
- Với tư cách là từ ngữ của văn chương, từ Hán Việt đóng vai trò tạo nên sắc thái trang trọng, cổ kính, trừu tượng và gần gũi.
Ví dụ: thái dương, bóng nguyệt, một người phụ nữ đang bế con,...
- Với tư cách là từ ngữ của phong cách chính luận, các từ Hán Việt có tần suất xuất hiện cao trong các văn bản chính luận, xã luận trên báo chí; làm tăng tín chuẩn xác cho loại văn này.
Ví dụ: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng
- Với tư cách là thuật ngữ khoa học, các từ Hán Việt đảm bảo tính chặt chẽ về cấu trúc, tính chính xác về khái niệm.
Ví dụ: Tài nguyên thiên nhiên là toàn bộ giá trị vật chất có sẵn trong tự nhiên Từ Hán Việt còn đóng vai trò quan trọng trong việc dịch các thuật ngữ Âu - Mĩ sang Tiếng Việt. Vì nó sẽ giúp người dùng giảm bớt công suất đi tìm thuật ngữ tiếng Việt tương ứng, nhất là khi người dùng cảm thấy khó tìm từ tiếng Việt chuyển sang hợp lý thì dùng từ Hán Việt vừa đảm bảo độ an toàn và tính chính xác.
Trong thời kỳ phong kiến, tất cả những công văn hành chính, giấy tờ đều được viết bằng chữ Hán, và cho đến sau này khi nước ta giành được độc lập, xây dựng nhà nước phong kiến tự chủ thì vẫn dùng chữ Hán để viết các công văn giấy tờ, sáng tác thơ ca, làm những bộ sử liệu... Khoảng gần mười thế kỷ, dân tộc ta đã dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại tâm tư tình cảm của mình và chế tác ra hàng loạt các tác phẩm có giá trị như Triết học, Sử học, Y học, Văn học... Chính vì lẽ đó mà mặc dù là một ngôn ngữ cổ nhưng từ Hán Việt vẫn cần phải được dạy trong nhà trường để giúp cho người đời sau có thể hiểu được nội dung của các thời kì trước và quan trọng hơn cả là học từ Hán Việt để giúp chúng ta giao tiếp tốt hơn.
Trong khi giao tiếp, người sử dụng tiếng Việt phải tuân theo quy luật phát triển tự nhiên của ngôn ngữ. Tuỳ theo nội dung của vấn đề giao tiếp mà người sử dụng nó có thể dùng từ Hán Việt hay từ thuần Việt. Trong một số
văn cảnh hay ngữ cảnh nhất định, từ thuần Việt và từ Hán Việt có thể thay thế được cho nhau nhưng có rất nhiều trường hợp từ thuần Việt và từ Hán Việt có những khả năng diễn đạt và biểu cảm khác nhau mà người sử dụng nó khó có thể đổi chỗ được.
Ví dụ: Từ thuần Việt phổ biến, giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Đối với từ thuần Việt ngoài việc giản dị, dễ hiểu nó còn có sắc thái dựng hình, gợi cảnh, tô màu tạo cảm giác sinh động (khúc khuỷu, ghồ ghề, mênh mông, bát ngát, đỏ chon chót...) nhưng ít có khả năng diễn đạt các khái niệm trừu tượng. Trên thực tế có một số vốn từ thuần Việt còn là những yếu tố xúc tác nhằm phát huy tối đa tiềm năng vốn có của từ Hán Việt, ví dụ như câu:
"Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ Gác phong thu đứng rũ tà huy"
(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều) Thì những từ thuần Việt như "cầu", "ngồi trơ", "gác", “đứng rũ” đã là những chất xúc tác cực mạnh giúp cho những người thưởng thức nó chưa hiểu rõ nghĩa từ Hán Việt trong câu mà cũng thấm hiểu được nỗi buồn thê lương trong cảnh hoang phế đến cực độ. Đó là một chiếc cầu trơ khấc, một bến đò không người qua lại và căn gác để đón gió thu đứng rũ trong bóng chiều tà. Những điển cố điển tích xen kẽ với các từ thuần Việt và chúng đã được các từ thuần Việt làm rõ nghĩa cho. Bởi vậy, có rất nhiều người không được trang bị từ Hán Việt nhưng đọc vẫn hiểu, vẫn cảm thấy cái hay của nó. Nói như vậy để thấy cái giá trị đích thực của từ thuần Việt. Tuy nhiên trong quá trình sáng tác thơ, thưởng thức văn chương và nghiên cứu văn học nếu ta được trang bị một cách đầy đủ ý nghĩa và cách dùng của một số lượng từ Hán Việt tối thiểu thì sẽ có những lời giao tiếp hay hơn, những tác phẩm sâu sắc hơn, những bình phẩm, những nghiên cứu đặc sắc hơn. Bởi vì từ Hán Việt có những sắc thái tu từ mà từ thuần Việt không thể có được.
Trong văn học có những từ Hán Việt mà khó có từ Thuần Việt nào thay thế được. Mở đầu bài tập đọc "Tà áo dài Việt Nam” của tác giả Trần Ngọc Thêm [23.122] viết:
"Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau"
"Phụ nữ" là từ Hán Việt có thể dịch là con gái, đàn bà,... nhưng dùng những từ thuần Việt đó thì khó lột tả được cái khái quát, cái trừu tượng về người con gái. Từ "phụ nữ" mà tác giả sử dụng ở đây là để nói đến tất cả con gái Việt Nam cả có chồng hoặc chưa có chồng. Từ Hán Việt này còn thể hiện sự tôn trọng của các tác giả đến những người phụ nữ Việt Nam.
Từ Hán Việt có một khả năng tiềm ẩn đặc biệt. Nó mang những sắc thái tu từ với những ý nghĩa chỉ những cái trang trọng, im lìm, bất động, cổ kính.
Ví dụ: Bài tập đọc: “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” [23.145] Khi viết các điều trong Luật người ta phải dùng từ Hán Việt: “Điều 16 Khoản 2. Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí." chứ không nên dùng: “Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục nhà nước thành lập không phải trả tiền học." thì sẽ làm mất đi tính trang trọng cần thiết trong một điều luật mang tầm cỡ quốc gia.
Nêu đôi ba ví dụ nhỏ thường gặp đó để nhấn mạnh vai trò không thể thay thế được trong giao tiếp cũng như trong văn chương cổ của từ Hán Việt. Trên thực tế, nếu chúng ta không được trang bị một vốn từ Hán Việt cần thiết thì sẽ không thấu hiểu được nội dung của tác phẩm (đôi khi vấn đề còn bị hiểu lệch) và khi giao tiếp nhiều khi sử dụng từ Hán Việt sai nghĩa và sai cả phong cách. Như vậy, dạy học từ Hán Việt cho học sinh từ bậc tiểu học là một nội dung không thể thiếu trong chương trình, nó sẽ giúp các em mở mang hiểu biết về ngôn ngữ. Qua đó chúng ta thấy từ Hán Việt có những vai trò rất quan trọng đối với tiếng Việt, vì vậy giáo dục từ Hán Việt là không thể thiếu trong trường học.