Tăng cường các hình thức quảng cáo, giới thiệu nhằm kích thích nhu cầu của khách hàng
Hiện nay lượng khách hàng sử dụng dịch vụ NHĐT còn quá ít, do đó hiệu quả của chương trình chưa cao. Chiến lược quảng bá để nhân rộng việc cung ứng sản phẩm dịch vụ NHĐT sẽ giúp các ngân hàng phát huy hiệu quả hệ thống NHĐT đã xây dựng. Để thực hiện tốt điều này, VCB cần phải có chiến lược tiếp thị khách hàng. Trong chiến lược tiếp thị, VCB cần làm cho khách hàng hiểu được dịch vụ NHĐT là gì, nó mang đến cho họ những tiện ích gì hơn hẳn so với dịch vụ truyền thống mà lâu nay họ vẫn sử dụng.
VCB nên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, thông qua các buổi hội thảo, hội nghị này, ngân hàng có thể giới thiệu các sản phẩm dịch vụ NHĐT, cung cấp những kiến thức cần thiết về dịch vụ NHĐT nhằm để nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Đồng thời, ngân hàng cũng cần lắng nghe những ý kiến và những vấn đề khách hàng còn lo ngại, gặp khó khăn trong việc sử dụng dịch vụ NHĐT để ngân hàng sẽ có những hướng hoàn thiện và phát triển dịch vụ cho thích hợp.
Bên cạnh việc đó, VCB cần phải có các hình thức tiếp thị khácầnhư: quảng cáo dịch vụ NHĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc gửi thông tin về dịch vụ NHĐT đến từng công ty theo đường bưu điện.
Đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, mở rộng mạng lưới và quảng bá rộng rãi các dịch vụ ngân hàng, không chỉ trong lĩnh vực thẻ mà còn các loại sản phẩm dịch vụ khác. Trong đó, các “phương tiện thanh toán” như thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế đa tiện ích với địa điểm giao dịch thuận lợi, nhằm đến các đối tượng có thu nhập là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm, bởi thẻ thực chất là cầu nối trung gian rất tiện lợi của tất cả các giao dịch tiền tệ - ngân hàng.
Ngoài ra, VCB cũng cần sử dụng Facebook, Twitter… để: tạo lập kênh truyền thông ; nắm tình hình, phản hồi, phàn nàn của khách hàng về tất cả sản phẩm dịch vụ NHĐT; và xử lý tức thời; tên tuổi, thương hiệu VCB được nhiều người nói đến, biết đến.
Đẩy mạnh hợp tác với nhiều tổ chức để cung cấp các sản phẩm với nhiều tiện ích cho khách hàng như: thanh toán các giao dịch mua bán trên các website TMĐT, thanh toán trực tuyến bằng điện thoại di động, máy tính kết nối mạng viễn thông, thanh toán các hoá đơn… Sự phát triển nhanh của các dịch vụ thanh toán và phương tiện điện tử trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho việc thanh toán hàng hoá, dịch vụ, mua bán hàng hoá một cách dễ dàng thông qua Internet, điện thoại di động, ATM, POS. Sự liên kết giữa các ngân hàng với nhau, với các công ty viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ đã cung cấp thêm nhiều giải pháp trung gian, hỗ trợ dịch vụ thanh toán.
Đồng thời cần kết nối hệ thống giao dịch khép kín giữa ngân hàng - khách hàng - nhà cung cấp dịch vụ (như điện, nước, điện thoại, siêu thị, khách sạn...) hoặc với các công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học v. v... nhằm giảm thiểu giao dịch tiền mặt, tăng số dư tài khoản vãng lai. Đối với các đối tượng có thu nhập từ 3 triệu đồng /tháng trở lên cần được tiếp cận để mở thẻ tín dụng quốc tế (Visa card, Master card...). Đây là đối tượng khách hàng tiềm năng, bởi hiện tại các ngân hàng mới phát hành được khoảng 1% số lượng thẻ tín dụng trên tổng số đối tượng có thu nhập
cao và có nhu cầu sử dụng thẻ. Đặc biệt, VCB cần đơn giản hơn thủ tục cấp thẻ tín dụng và thời gian chờ đợi (hiện nay thủ tục yêu cầu như một món vay ở VCB phải mất ít nhất bảy ngày mới nhận được thẻ).
Phát triển kênh ngân hàng di động, xây dựng hệ thống các Autobank tại các trung tâm thương mại, các chung cư cao cấp, trong khuôn viên của các chi nhánh…Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp công nghệ để phát triển các kênh phân phối ngân hàng hiện đại, gọn nhẹ tại các vùng nông thôn, xa các trung tâm kinh tế để phục vụ tối đa các nhu cầu của khách hàng.