Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Tổng kết các mô hình và biện pháp kỹ thuật rừng trồng phòng hộ đầu
4.1.1. Các văn bản chỉ đạo kỹ thuật trong dự án 661 tại tỉnh Phú Thọ
Quyết định về cơ cấu cây trồng, mô hình trồng rừng trong dự án 661 tại tỉnh Phú Thọ
Dựa trên các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án 661 trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với sự phối hợp của các ban ngành liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục phát triển Lâm nghiệp, cơ cấu cây trồng trong dự án 661 của tỉnh đã được ban hành tại Quyết định số 3886/QĐ-CT ngày 17/11/2003 về việc phê duyệt cơ cấu cây trồng và dự toán trồng rừng theo suất đầu tư 4 triệu đồng/ha thuộc dự án 661. Theo Quyết định này, cơ cấu cây trồng của tỉnh Phú Thọ được quy định cụ thể như sau:
- Đối với vùng cao nơi đất đai còn tính chất đất rừng thuộc các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà, Sông Thao:
+ Cây bản địa chọn 9 loài (theo thứ tự ưu tiên): Lim xẹt, Muồng đen, Trám trắng, Ràng ràng, Lim xanh, Giổi, Re, Chò chỉ, Lát hoa.
+ Cây phù trợ: Keo, Mỡ, Quế, Tre lấy măng.
- Đối với vùng núi thấp, đất đai nghèo kiệt thuộc các huyện Thanh Ba, Đoan Hùng, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Phù Ninh:
+ Cây bản địa chọn 6 loài (theo thứ tự ưu tiên): Lim xẹt, Muồng đen, Trám trắng, Sồi, Lim xanh, Sấu.
+ Cây phù trợ: Keo, Luồng Thanh hoá, Tre lấy măng.
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 3886/QĐ-CT, Chi cục phát triển Lâm nghiệp Phú Thọ (Ban quản lý dự án 661 cấp tỉnh) ban hành Công văn số
20/HC-LN ngày 4/3/2004 về việc hướng dẫn các Ban quản lý dự án cơ sở triển khai thực hiện trồng rừng dự án 661. Nội dung cụ thể về trồng rừng phòng hộ trong dự án 661 như sau:
Về cơ cấu cây trồng
Trồng rừng dự án 661 với mật độ 1.600 cây/ha, trong đó các loài cây bản địa gỗ lớn là 600 cây (từ hai loài trở lên) và 1.000 cây phù trợ, cụ thể là: - Đối với các dự án thuộc huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê:
+ Trồng cây bản địa gỗ lớn: (Xếp theo số lượng cây trồng từ cao xuống thấp) gồm có Lim xẹt, Muồng đen, Trám trắng, Ràng ràng, Lim xanh, Giổi, Sấu, Lát hoa.
+ Cây phù trợ: Trồng chủ yếu Keo lai, Quế, Luồng Thanh Hoá, Tre lấy măng.
- Đối với các dự án huyện Thanh Ba, Phù Ninh:
+ Trồng cây bản địa gỗ lớn: (Xếp theo số lượng cây trồng từ cao xuống thấp) gồm có Lim xẹt, Muồng đen, Trám trắng, Lim xanh, Sấu.
+ Cây phù trợ: Gồm có Keo lai, Luồng Thanh hoá, Tre lấy măng.
Về phương thức trồng rừng
Trồng rừng dự án 661 được thực hiện với phương thức trồng hỗn giao theo băng giữa các cây bản địa gỗ lớn với cây kinh tế, trồng từ trên đỉnh lô xuống, cứ băng cây bản địa rồi đến băng cây kinh tế.
- Băng cây bản địa: gồm 6 - 8 hàng, cự ly cuốc hố trồng rừng hàng cách hàng 3 m, trong hàng cây cách cây 3 m (cự ly 3 x 3 m). Cây bản địa có từ 2 loài cây trở lên trồng hỗn giao theo hàng, tùy theo số lượng các loài cây bản địa theo cơ cấu cây trồng mà định ra số hàng hỗn giao với nhau. Trong băng cây bản địa thực hiện hỗn giao theo hàng. Cây Trám trắng không trồng trong băng cây bản địa trên đỉnh đồi.
- Băng cây kinh tế: Chủ yếu là Keo lai, băng trồng gồm 4 - 5 hàng cây Keo lai, cự ly hàng cách hàng là 2,3 m, cây cách cây là 2 m (cự ly 2,3 x 2 m). Trồng hết băng cây bản địa, phần còn lại dưới chân đồi trồng cây kinh tế. Cây kinh tế sau khi khai thác phải trồng lại ngay.
Nếu cây kinh tế có cả Keo lai, cây luồng Thanh Hoá hoặc Tre lấy măng thì chỉ trồng Luồng, Tre lấy măng ở vị trí thấp ven chân đồi nơi đất tốt và độ ẩm cao, mỗi khóm cách nhau 5m. Số lượng cây Keo phải giảm đi để đảm bảo không gian dinh dưỡng cho cây. Vốn đầu tư cho giống cây kinh tế có cả Luồng, Tre măng, Keo lai trên 1 ha chỉ bằng vốn đầu tư của 1.000 cây Keo lai/ha.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng cả 2 văn bản trên vẫn chưa đưa ra được mô hình cụ thể và quy định về loài cây bản địa và loài cây kinh tế trong mỗi mô hình. Các văn bản đều quy định còn chung chung, không cụ thể, do đó gây nhiều hạn chế trong việc triển khai thực hiện. Việc lựa chọn mô hình rừng phòng hộ cụ thể do Ban quản lý dự án 661 cơ sở quyết định. Theo báo cáo tổng kết và qua khảo sát thực tế tại tỉnh Phú Thọ nhận thấy về tổng quát có 3 nhóm mô hình rừng trồng phòng hộ chính như sau:
Nhóm mô hình 1: Luồng + cây bản địa: Mô hình này gồm 200 cây bản địa và 400 cây luồng/ha và được bố trí trồng theo hai phần riêng biệt. Một nửa diện tích gây trồng ở chân đồi được sử dụng để trồng Luồng (mật độ 200 cây luồng/ha) và một nửa diện tích gây trồng phần đỉnh đồi được sử dụng cho trồng cây gỗ bản địa (mật độ 400 cây/ha). Mô hình này tỏ ra khá phù hợp với vùng có địa hình dạng đồi bát úp như tỉnh Phú Thọ.
Nhóm mô hình 2: Tre măng (tre bát độ) + cây bản địa: Mô hình này gồm 200 tre măng và 300 cây bản địa. Phương thức trồng là hỗn giao theo cây, hàng cách hàng 3 m, trồng tre măng bát độ ven khe và chân đồi.
Nhóm mô hình 3: Cây bản địa + cây phù trợ: Gồm 1.100 cây phù trợ + 660 cây bản địa. Bố trí hỗn giao theo dải, cứ một dải cây chính xen một dải cây phù trợ.