- Đối với các diện tích rừng phòng hộ hỗn giao cây bản địa với cây phù trợ đã trồng, việc làm cần thiết nhất hiện nay tại các địa phương là cụ thể hóa
các Quyết định số 1053/LN-SDR và 1697/LN-LS về việc hướng dẫn chặt nuôi
dưỡng và khai thác, tỉa thưa cây phù trợ để mở tán cho cây trồng chính phát triển cũng như nâng cao thu nhập của người dân. Hiện nay, rất nhiều diện tích rừng trồng 4 - 5 tuổi rất cần được tỉa thưa. Tại những nơi tỉa thưa có thể trồng bổ sung thêm các cây bản địa để tạo ra rừng phòng hộ nhiều tầng tán. Quá trình tỉa thưa nên diễn ra trong thời gian một vài năm, phải có những biện pháp hướng dẫn cụ thể để khi khai thác không làm gãy đổ, ảnh hưởng đến cây trồng phòng hộ chính.
- Công tác thiết kế khai thác, tỉa thưa cũng cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Theo đánh giá của cán bộ lâm nghiệp và các chủ rừng ở tỉnh Phú Thọ, công việc này đòi hỏi người có trình độ chuyên môn sâu về lâm sinh và
tốn nhiều thời gian. Người thiết kế phải nắm rõ được biện pháp tác động vào rừng, xác định được vị trí trồng cây bổ sung, xác định được cơ cấu loài hợp lý… nhìn chung phức tạp hơn các kiểu thiết kế tỉa thưa khác, trong khi đó suất đầu tư lại thấp không thể hiện được tầm quan trọng và độ phức tạp của công tác này.
- Việc thiết kế chặt nuôi dưỡng và khai thác tỉa thưa cây phù trợ nhất thiết phải do kỹ sư lâm sinh chịu trách nhiệm. Ngày nay, việc trồng rừng đã phát triển sâu rộng trong nhân dân, kỹ sư lâm sinh có thể tham gia bằng hai cách; thứ nhất có thể tham gia thiết kế trực tiếp; thứ hai có thể tham gia thẩm định các bản thiết kế do các chủ rừng thiết kế xem có đạt yêu cầu hay không?
- Nghiên cứu các quy trình thiết kế tỉa thưa đơn giản, dễ hiểu giúp người chủ rừng có thể chủ động trong việc thiết kế chặt nuôi dưỡng và khai thác tỉa thưa rừng. Định ra các chế tài xử phạt các chủ rừng chặt, bài cây không đúng theo bản thiết kế chặt nuôi dưỡng.
- Đối với rừng phòng hộ đã trồng, những nơi tỷ lệ thành rừng thấp, thực hiện điều chế rừng hợp lý và bổ sung dần cây bản địa để dần dần xây dựng rừng phòng hộ có chất lượng.
- Khi trồng rừng sản xuất bằng cây Keo lai và cây Bạch đàn mô nên trồng vào những sườn đồi khuất gió, tránh hướng gió chính trong mùa mưa bão để cây không bị đổ.
- Ở những nơi đất trống, đồi núi trọc, nơi đất nghèo xấu không nên trồng cây bản địa ngay mà trồng các loài cây phù trợ trước bằng các loài keo nhằm cải thiện đất và tạo ra tiểu hoàn cành rừng, sau đó tiến hành khai thác, tỉa thưa dần để trồng cây bản địa.
- Việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh cần đi đôi với việc lựa chọn loài mục đích theo từng năm để thường xuyên bổ sung thêm cây trồng chính nhằm
tăng thêm tính đa dạng của rừng. Loài mục đích phải được đánh dấu và có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn.