Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.3.1. Phân tích những nguyên nhân thành công
Có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ban ngành đồng thời với việc ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, cơ chế, chính sách thực hiện Dự án:
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, các cơ chế, chính sách để thực hiện Dự án 661 trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong từng giai đoạn. Với những Chỉ thị, Nghị quyết và các cơ chế, chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phù hợp được ban hành, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh từng bước được xã hội hoá, đã khuyến khích, thu hút vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế tham gia bảo vệ phát triển rừng và phát triển chế biến lâm sản. Từ đó, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết về Dự án 661 của Quốc hội, diện tích rừng ổn định và phát triển, độ che phủ của rừng ngày càng được nâng cao, đời sống người làm rừng thực sự được nâng lên từ kinh tế rừng. Môi trường sinh thái được cải thiện, từ đó góp phần quan trọng ổn định phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
Đã thành lập ban quản lý dự án các cấp
Để phù hợp cho việc thực hiện Dự án 661 từng giai đoạn, tỉnh đã kịp thời kiện toàn, củng cố và thành lập mới Ban điều hành, Ban quản lý Dự án các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn. Chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý Dự
án các cấp được quy định cụ thể và phối hợp hoạt động nhịp nhàng. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia thực hiện dự án được đẩy mạnh, đã thúc đẩy tiến độ trồng rừng của Dự án, đặc biệt là khối lượng trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước. Các Ban quản lý Dự án cơ sở được kiện toàn và thành lập mới, hiện do các Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện nên đã gắn được trách nhiệm vừa tuyên truyền vận động bảo vệ rừng vừa hướng dẫn, chỉ đạo phát triển rừng.
Vốn đầu tư đã được tăng lên từng bước
Hàng năm, tỉnh luôn bố trí đầy đủ kịp thời kinh phí cho Dự án theo kế hoạch giao, tạo thuận lợi cho các dự án triển khai thực hiện. Đối với trồng rừng phòng hộ suất đầu tư thay đổi từ 2.500.000 đồng/ha (Thông tư liên tịch số 28/1999/TT - LT ngày 3/2/1999) lên đến 4.000.000 đồng/ha (Công văn số 95/CP-NN ngày 23/1/2003).
Đã ban hành hướng dẫn về cơ cấu cây trồng và biện pháp kỹ thuật
Dựa trên các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án 661 trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với sự phối hợp của các ban ngành liên quan như Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục phát triển Lâm nghiệp, cơ cấu cây trồng trong dự án 661 của tỉnh được hướng dẫn tại Quyết định số 3886/QĐ-CT ngày 17/11/2003 về việc phê duyệt cơ cấu cây trồng và dự toán trồng rừng theo suất đầu tư 4 triệu đồng/ha thuộc dự án 661.
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 3886/QĐ-CT, Chi cục phát triển lâm nghiệp Phú Thọ (Ban quản lý dự án 661 cấp tỉnh) ban hành Công văn số 20/HC-LN ngày 4/3/2004 về việc hướng dẫn các Ban quản lý dự án cơ sở triển khai thực hiện trồng rừng dự án 661.
Ngoài ra còn có sự đúc rút từ chương trình 327 nên có sự rút kinh nghiệm về mặt kỹ thuật cũng như chính sách đầu tư.
Công tác quản lý bảo vệ rừng
Việc quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở từng bước đi vào nề nếp và được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Các chủ rừng kết hợp với cơ quan Kiểm lâm sở tại và các lực lượng chức năng liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không còn các điểm nóng về phá rừng, mua bán, kinh doanh lâm sản trái phép.
Công tác kiểm tra giám sát
Hàng năm Ban chỉ đạo của tỉnh đều tổ chức bình quân 2 lần/năm kiểm tra việc triển khai thực hiện của các dự án cơ sở. Ban quản lý dự án 661 cấp tỉnh phân công cán bộ theo dõi đến từng dự án, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tiến độ thực hiện và diện tích, chất lượng các lô rừng.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác bảo vệ rừng, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm bố trí cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn, tăng cường bám sát địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường tuần tra bảo vệ tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng dễ bị xâm hại, thực hiện công tác bảo vệ rừng tận gốc theo đúng chủ trương Kiểm lâm bám địa bàn đến tận thôn, bản.